''Nhảy'' việc hay thay đổi ngành nghề luôn là một ngã rẽ quan trọng trong những cột mốc sự nghiệp của mỗi người. Đứng trước quyết định có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong tương lai, nhiều người không khỏi suy nghĩ, băn khoăn và lên kế hoạch chi tiết.
Tuy nhiên, nhiều người lại “nhảy” việc một cách ngẫu hứng và đầy rủi ro. Dù bạn là người kỹ tính hay hành động cảm tính, khi có ý định “nhảy” việc, hãy cân nhắc thật kỹ 5 điều dưới đây để có thể tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc.
“Nhảy” việc theo cảm hứng
Khá nhiều người cho rằng, chỉ cần cảm thấy không vui vẻ hoặc không thích công việc, đồng nghiệp hoặc môi trường đang gắn bó thì sẽ “nhảy” việc ngay lập tức. Đây thực chất là một sai lầm, bởi dù bạn tài giỏi cỡ nào đi nữa thì làm việc hay nghỉ việc dựa theo cảm hứng sẽ kéo theo rất nhiều rủi ro cho bản thân bạn và công ty, doanh nghiệp bạn đang làm việc.
Trong bối cảnh hiện nay, bạn sẽ không dễ để có thể tìm được một công việc phù hợp chỉ trong một vài ngày dù là ở Hà Nội, Hải Phòng hay TPHCM. Đi kèm với trạng thái “thất nghiệp tạm thời”, thì vấn đề tài chính có thể khiến bạn rơi vào khủng hoảng. Hãy chắc chắn rằng, nếu bạn không yêu thích nơi là thì bạn cũng không nên cho phép mình “nhảy” việc theo cảm hứng và bạn cần có kế hoạch chuẩn bị ít nhất từ 1 – 2 tháng trước khi nộp đơn nghỉ việc. Đồng thời trước đó bạn cũng nên hoàn thành tốt các trách nhiệm đối với nơi bạn đang làm việc.
“Nhảy” việc vì tiền lương
Những công việc lương cao luôn có sức quyến rũ khó có thể từ chối. Song, bạn cũng cần thận trọng trước những quyết định “nhảy” việc vì tiền lương.
Rõ ràng, khi bạn đã đi làm, bạn sẽ hiểu được giá trị cũng như những điều cần đánh đổi của những vị trí lương cao như thời gian, sức khỏe, các mối quan hệ, cuộc sống cá nhân... Trừ khi bạn biết rằng đó là công việc bạn mong muốn trải nghiệm, hoặc đến lúc bạn cần thử sức ở những vị trí đột phá với mức lương cao hơn hiện tại, hãy cân nhắc thật kỹ khi đọc được những bản tin tuyển dụng lương cao.
Hơn nữa, tiền lương rất quan trọng nhưng bạn không thể biết trước được công việc mới sẽ lấy đi của bạn những điều mà ở vị trí hiện tại, bạn đang rất thoải mái và hài lòng. Vì thế, nếu chỉ đơn giản vì vấn đề lương mà “nhảy” việc thì rất có thể sau này bạn sẽ phải hối tiếc.
Thay đổi công việc khi bản thân chưa xác định được mục tiêu
Nếu bạn muốn từ bỏ công việc hiện tại và tìm kiếm những cơ hội mới, hãy cẩn trọng xác định kỹ mục đích của việc thay đổi này và những mục tiêu ngắn hạn bạn mong muốn đạt được sau khi có công việc mới. Điều này sẽ giúp bạn tránh được sự hoài nghi và thất vọng về chính mình khi gặp khó khăn trong quá trình tiếp xúc với ngành nghề hoặc môi trường mới.
Để bắt đầu, bạn cần biết rõ lý do vì sao mình muốn thay đổi công việc, mục tiêu bạn mong muốn đạt được cho công việc mới, những kỹ năng, khóa học nào sẽ giúp bạn hạn chế tối đa sự khó khăn... Bên cạnh đó, hãy trò chuyện với người có kinh nghiệm mà bạn tin tưởng, sau đó bắt đầu thực hiện ý tưởng của bạn dựa trên môi trường thực tế và rút ra bài học cho bản thân mỗi khi vấp ngã.
Hãy cho bản thân cơ hội làm sáng tỏ mọi mục tiêu về sự nghiệp và công việc. Chỉ khi vậy, bạn mới có quyết tâm cao nhất để kiên trì theo đuổi ước mơ.
Thay đổi công việc do tác động từ bên ngoài
Bạn có hay được nghe những câu nói quen thuộc: “Con nhà cô A làm IT lương cao lắm”, “Bạn T hồi trước học đại học cùng đang đầu tư vào lĩnh vực này lên lắm, con/bạn thử xem sao”. Thực tế là chúng ta rất dễ bị mặc cảm về bản thân trước những thành công của người khác và để cho những lời nói xung quanh từ bạn bè, người thân tác động lên cảm xúc, tinh thần, ý chí quyết tâm.
Đặc biệt là cha mẹ, những người luôn mong muốn bạn thành công, giỏi giang, nhưng họ lại không hiểu được điều bạn mong muốn thực sự là gì. Do vậy, bạn tuyệt đối không được để những người xung quanh tác động và ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của mình. Nếu không, bạn dù cố gắng thật nhiều, nhưng sẽ không cảm thấy thoải mái và yêu thích khi đó không phải là công việc bạn muốn làm.
Mỗi người chúng ta đều có một cuộc sống riêng, lựa chọn riêng, vậy nên bạn cần phải tự quyết định và chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn công việc của mình thay vì nghe theo tác động của những người xung quanh.
“Nhảy” việc khi chưa đánh giá lại bản thân và cập nhật CV mới
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, trung bình từ 1-2 năm, bạn cần cập nhật CV và tự đánh giá trình độ bản thân để có thể so sánh với thị trường nhân sự tại thời điểm đó. Bởi khi “nhảy” việc, ngoài việc bạn cần lấp đầy những lỗ hổng về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm so với trước đây, thì bạn cũng cần tự tin để có thể thương lượng một vị trí hoặc một mức lương cao hơn.
Hơn nữa, việc tự đánh giá bản thân giúp bạn hiểu rõ chính mình, tìm ra những thế mạnh, điểm yếu cần khắc phục, nhưng cơ hội và thách thức bạn muốn trải nghiệm. Việc này giúp bạn tìm được một công việc phù hợp nhất với mong muốn và tránh được những rủi ro không đáng có trong quá trình tìm một vị trí mới thích hợp.
“Nhảy” việc hay không là lựa chọn của mỗi người và bạn là người chịu trách nhiệm với lựa chọn của chính mình. Do vậy, hãy tham khảo và cân nhắc kỹ những điều trên để tránh mắc phải sai lầm, đồng thời giúp bạn dễ dàng nhập cuộc và tìm kiếm cho mình những cơ hội mới tốt đẹp hơn.
Lưu Lâm (Sưu tầm)
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam