Hội thảo đã khép lại chuỗi các hội thảo được tổ chức trong tháng 11 và tháng 12 năm 2018, tại 8 nước thành viên ASEAN (Myanmar, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Việt Nam) trong Chương trình Hỗ trợ hợp tác kinh tế AANZFTA (ECSP), nhằm hướng dẫn các nội dung về quy tắc xuất xứ cộng gộp toàn phần; bao gồm các lợi ích và quy trình áp dụng, các vấn đề có thể phát sinh trong chương trình thí điểm cộng gộp toàn phần, quản lý rủi ro và chứng nhận xuất xứ sử dụng cộng gộp toàn phần.
Một cuộc hội thảo về hướng dẫn quy tắc xuất xứ cộng gộp toàn phần AANZFTA |
Đã có hàng trăm các quan chức chính phủ và các đại diện của khu vực tư nhân (doanh nghiệp, hiệp hội) tới tham dự các hội thảo hướng dẫn chuyên sâu này.
Việc mở rộng định nghĩa về cộng gộp có thể giúp các nhà xuất khẩu mở rộng khả năng tiếp cận với các nguyên liệu nguồn và quá trình sản xuất trong FTA cho phép họ tận dụng hiệu quả các nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất, đặc biệt tối ưu hóa các nguồn lực trong xã hội và nâng cao giá trị của chuỗi cung ứng.
Các hội thảo cũng nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về khái niệm cộng gộp toàn phần cũng như sự hiểu biết của doanh nghiệp AANZFTA, tăng khả năng tận dụng ưu đãi từ hiệp định này.
Các chủ đề được đề cập trong các hội thảo về xây dựng năng lực bao gồm các bước thực hiện, giám sát và các chính sách, tài liệu cần thiết. Hội thảo cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về chuỗi cung ứng và tầm quan trọng của cộng gộp toàn phần trong chuỗi cung ứng AANZFTA.
Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thảo luận về cộng gộp toàn phần để hỗ trợ các quan chức trong đàm phán với các bên AANZFTA khác. Hội thảo cũng đặc biệt quan trọng với các nước ASEAN vì ASEAN đã quen thuộc với khái niệm quy tắc xuất xứ cộng gộp từng phần được thực hiện theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Hiện tại, Điều 6 của Chương Quy tắc xuất xứ trong AANZFTA quy định rằng, một hàng hóa tuân thủ các yêu cầu về xuất xứ và được một bên AANZFTA khác sử dụng như nguyên liệu trong sản xuất hàng hóa khác sẽ được gọi là "có xuất xứ từ bên AANZFTA đã sản xuất ra hàng hóa cuối cùng".
Cộng gộp toàn phần, khi được triển khai, sẽ mở rộng khái niệm này bằng cách cho phép cộng gộp chi phí sản xuất có xuất xứ (lao động và nguyên vật liệu) cho một hàng hóa tại một bên AANZFTA để tính chi phí sản xuất hàng hóa tiếp theo ở một bên AANZFTA khác, bất kể việc sản xuất hàng hóa ban đầu có đủ điều kiện được tính xuất xứ hay không.
Việt Dũng