ADB dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương giảm tốc

12/04/2025 - 00:24
(Bankviet.com) Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương được dự báo tăng trưởng 4,9% trong năm nay, giảm nhẹ so với mức 5,0% của năm ngoái, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2025 được công bố ngày 9/4 cho thấy, nhu cầu nội địa vững chắc và xuất khẩu bền bỉ với chủ lực là chất bán dẫn, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, đang hỗ trợ tăng trưởng cho các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương nhưng thuế quan và bất ổn thương mại sẽ là lực cản. Tăng trưởng khu vực dự kiến đạt mức 4,9% trong năm 2025, giảm xuống còn 4,7% vào năm 2026. Lạm phát dự kiến ​​giảm còn 2,3% trong năm 2025 và 2,2% vào năm 2026 do giá lương thực và năng lượng toàn cầu tiếp tục giảm.

Các dự báo tăng trưởng đã được hoàn thiện trước thông báo ngày 2/4 về mức thuế mới của chính quyền Mỹ, do đó, dự báo cơ sở chỉ phản ánh mức thuế đã áp dụng trước đó. Tuy nhiên, Báo cáo ADO tháng 4/2025 có phân tích về mức thuế cao hơn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng ở châu Á và Thái Bình Dương.

Báo cáo ADO lưu ý, trong khi các nền kinh tế trong khu vực có khả năng phục hồi, nhưng những thay đổi nhanh hơn và lớn hơn dự kiến ​​trong chính sách thương mại và kinh tế của Mỹ sẽ gây ra rủi ro cho triển vọng phát triển. Cùng với mức thuế quan cao hơn của Mỹ, sự gia tăng bất ổn về chính sách và các biện pháp trả đũa có thể làm chậm lại thương mại, đầu tư và tăng trưởng.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản vững chắc, là nền tảng cho khả năng thích ứng của họ trong môi trường toàn cầu đầy thách thức này. Thuế quan tăng, những bất ổn về chính sách của Mỹ và khả năng leo thang căng thẳng địa chính trị là những thách thức đáng kể đối với triển vọng. Các nền kinh tế châu Á nên duy trì cam kết mở cửa thương mại và đầu tư, vốn đã hỗ trợ tăng trưởng và khả năng phục hồi của khu vực này”.

Sự suy thoái hơn nữa trong thị trường bất động sản của Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, cũng có thể cản trở tăng trưởng. ADB dự báo tăng trưởng của Trung Quốc là 4,7% trong năm nay và 4,3% trong năm tới, so với 5,0% của năm ngoái.

Tăng trưởng mạnh mẽ hơn tại Nam Á và Đông Nam Á nhờ nhu cầu nội địa và sự phục hồi tiếp tục của du lịch ở các nơi khác trong khu vực sẽ bù đắp phần nào cho sự suy giảm tại Trung Quốc. Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất Nam Á - được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm nay và 6,8% trong năm sau. Các nền kinh tế ở Đông Nam Á được dự báo tăng trưởng 4,7% trong năm nay và năm sau.

Nhu cầu bên ngoài suy yếu dự kiến sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế ở khu vực Kavkaz và Trung Á, với mức tăng trưởng được dự báo giảm từ 5,7% trong năm ngoái, xuống còn 5,4% trong năm nay và 5,0% trong năm sau. Đối với Thái Bình Dương, du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn, được dự báo là 3,9% trong năm nay và 3,6% trong năm sau, so với mức 4,2% của năm ngoái.

Q.L

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ