Tại sao lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ lại tác động quan trọng đối với thương mại toàn cầu? Đến nửa đầu tháng 7, xuất khẩu gạo tăng 28% |
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, ngày 20/7/2023, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra Thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo.
Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023; lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.
Số liệu từ Bộ Công Thương Ấn Độ cho thấy, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng. Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết: "Lệnh cấm xuất khẩu này có kéo dài hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thứ nhất phụ thuộc vào sản lượng diện tích gieo trồng, thứ hai phụ thuộc chỉ số tiêu dùng các mặt hàng trong đó mặt hàng lúa gạo, thứ 3 là các yếu tố khác. Chính phủ Ấn Độ vẫn có thể xem xét áp dụng việc xuất khẩu qua hình thức giữa chính phủ với chính phủ".
Trước thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương khuyến cáo trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang biến động, giá thóc trong nước và giá xuất khẩu gạo cũng biến động tương tự, các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc ký kết các hợp đồng. Bộ cũng đề nghị thương nhân duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trị giá bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 490 USD/tấn. |
Nhật Khôi