An tâm với cổ phiếu nhà băng

25/10/2021 - 16:23
(Bankviet.com) Lợi nhuận quý III ngành ngân hàng cơ bản được công bố hết và nhà đầu tư đã có cái nhìn lạc quan hơn với cổ phiếu nhóm ngành này nhờ kết quả kinh doanh tích cực.

Lợi nhuận tăng mạnh

Kết thúc tháng 9/2021, SeABank (SSB) ghi nhận thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3.848 tỷ đồng và 2.530 tỷ đồng, tương ứng tăng 85% và tăng 2 lần so với 9 tháng đầu năm 2020.

Tại LienVietPostBank (LPB), lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 tăng 61% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng cao. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 6.312 tỷ đồng, tăng 33,8%; lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 546 tỷ đồng, tăng 52,9%; lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 119,6 tỷ đồng, tăng 86%; hoạt động mua bán chứng khoán lãi 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 62 tỷ đồng. Ngược lại, lãi từ hoạt động khác giảm 75,3%, ghi nhận 30,4 tỷ đồng.

Tính chung, tổng thu nhập hoạt động của LPB trong 9 tháng đầu năm nay đạt 7.015 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động tăng ít hơn (6,1%), ở mức 3.326 tỷ đồng, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 3.690 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ. Do Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, tăng 176% so với cùng kỳ, đạt 887 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế ghi nhận 2.802 tỷ đồng (riêng quý III lãi 766 tỷ đồng, tăng 3,9%), lợi nhuận sau thuế là 2.228 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và 60% so với cùng kỳ.

Với OCB, tính đến cuối quý III/2021, tổng tài sản đạt 167.596 tỷ đồng, tăng 26,1%; huy động vốn trên thị trường 1 đạt 119.702 tỷ đồng, tăng 24,3%; dư nợ cho vay trên thị trường 1 đạt 99.045 tỷ đồng, tăng 21,5%; tổng doanh thu thuần đạt 6.246 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu thuần từ lãi và thu thuần ngoài lãi đều tăng trưởng tích cực…

Lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của NCB gấp gần 8 lần cùng kỳ năm ngoái, KienLongBank gấp gần 6 lần, SeABank tăng gấp đôi, LPB tăng 61%, Techcombank tăng gần 60%, TPBank tăng trên 45%, OCB tăng 50%, VIB tăng 32%...

Những yếu tố khả quan từ hoạt động kinh doanh giúp lợi nhuận trước thuế của OCB lũy kế đến hết tháng 9/2021 đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, một trong những yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế khả quan là Ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR) khi tỷ lệ này giảm từ 31,9% của cùng kỳ năm ngoái xuống 29,1% vào quý III năm nay.

Đặc biệt, việc áp dụng số hóa đã giúp OCB giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản, qua đó giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí tín dụng, phản ánh ở tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,15% của cùng kỳ năm ngoái xuống 1,51% tính đến cuối quý III/2021, bất chấp khó khăn do đại dịch.

“Đây là các yếu tố chính tạo ra lợi nhuận của OCB, dù Ngân hàng đã và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, chính sách đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách hàng cá nhân”, ông Tùng nhấn mạnh.

VIB cho hay, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng, đều tăng 32% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng bán lẻ tiếp tục đóng góp trên 85% danh mục cho vay, giúp VIB duy trì vị thế ngân hàng có tỷ lệ bán lẻ tốt hàng đầu thị trường.

Không ít ngân hàng khác như Techcombank (TCB), TPBank (TPB), KienLongBank (KLB), NCB (mã NVB) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021.

Thu nhập nhân viên được cải thiện

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của Techcombank đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 13.715 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả kinh doanh tăng trưởng góp phần cải thiện lương và thu nhập của nhân viên so với cùng kỳ. Cụ thể, tiền lương bình quân tháng tính đến cuối tháng 9/2021 đạt 37 triệu đồng/người, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 31 triệu đồng/người; thu nhập bình quân tháng tăng từ 37 triệu đồng/người lên 44 triệu đồng/người.

TPBank đạt lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 3.515 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng mạnh so với con số 2.419 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái; chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên là 1.587 tỷ đồng, tăng so với con số gần 1.397 tỷ đồng của cùng kỳ. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2020, TPBank có 7.350 nhân viên, tăng so với con số 7.053 nhân viên thời điểm cuối tháng 9/2020. Theo đó, thu nhập bình quân tháng của nhân viên chỉ tăng 2 triệu đồng, từ 22 triệu đồng lên 24 triệu đồng.

KienLongBank cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan, trong khi chi phí trích lập dự phòng giảm mạnh, giúp lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, thu nhập bình quân của nhân viên tăng 3 triệu đồng/tháng, đạt 16 triệu đồng/tháng.

Với NCB, 9 tháng đầu năm 2021 đạt lợi nhuận sau thuế 164,4 tỷ đồng, gấp gần 7,8 lần cùng kỳ năm 2020; thu nhập bình quân của nhân viên tăng từ 14,9 triệu đồng/tháng lên 18,3 triệu đồng/tháng.

Tại LPB, tính đến cuối tháng 9/2021 có 10.540 nhân viên, chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm là 1.424 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 9.570 nhân viên và 1.173 tỷ đồng. Theo đó, thu nhập bình quân của nhân viên tăng từ 13,6 triệu đồng/tháng lên 15 triệu đồng/tháng.

Ngược lại, thu nhập bình quân nhân viên của một số ngân hàng suy giảm. Chẳng hạn, SeABank có 4.649 nhân viên tính đến cuối tháng 9/2021, chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm nay là 914 tỷ đồng. Tổng chi phí lương tăng so với con số 833,2 tỷ đồng của cùng kỳ, nhưng cuối tháng 9/2020, số lượng nhân viên ít hơn (4.019 người), nên thu nhập trung bình hàng tháng của nhân viên không tăng, mà giảm từ 24,6 triệu đồng xuống 21,8 triệu đồng.

Tương tự, OCB có 5.538 nhân viên tính đến cuối tháng 9/2021, tăng so với 4.375 người thời điểm cuối tháng 9/2020, nên tổng chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm nay tăng từ 323 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái lên gần 364 tỷ đồng, nhưng thu nhập bình quân của nhân viên giảm từ 24,6 triệu đồng/tháng xuống 21,9 triệu đồng/tháng.

Saigonbank (SGB) ghi nhận 161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 11% so với cùng kỳ 2020. Ngân hàng chi hơn 161 tỷ đồng lương và phụ cấp cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm nay, giảm so với con số 165 tỷ đồng của cùng kỳ. Trong khi đó, số nhân viên thời điểm cuối quý III/2021 tăng 10 người so với cùng kỳ năm ngoái, từ 1.379 người lên 1.389 người. Theo đó, thu nhập bình quân của nhân viên giảm từ 13,3 triệu đồng/tháng xuống 12,9 triệu đồng/tháng.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, tình hình lao động, việc làm trong quý III/2021 được nhìn nhận kém khả quan so với quý II, nhưng kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong quý IV. Tính chung cho năm 2021, tình hình lao động, việc làm tại các tổ chức tín dụng về cơ bản giữ nguyên, hoặc có chiều hướng tăng thêm so với năm 2020, với 58,4% tổ chức dự kiến tăng lao động, chỉ có 6% tổ chức dự kiến cắt giảm lao động.

Dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý IV/2021 và đầu năm 2022, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc, Navigos Search cho biết, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ là xu hướng chung trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thời gian qua. Không chỉ các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn và một số công ty chứng khoán cũng đã lên kế hoạch và đầu tư cho việc chuyển đổi, thành lập các ban dự án/khối chuyển đổi.

Theo đó, nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục tăng, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số.

“Dự báo của Navigos Search cho thấy cuộc chạy đua về chuyển đổi số vẫn đang tiếp diễn đối với các ngân hàng, các công ty có nguồn lực và chiến lược bền vững nên nhu cầu đối với các nhân sự chất lượng cao nói trên vẫn tăng”, bà Lan nói.

Hồng Nhung/ ĐTCK

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán