Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 Chương trình giám sát năm 2024 tập trung vào vấn đề gì? Các phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn |
Những điểm mới và đặc biệt
Chất vấn giờ đây đã trở thành điểm nổi bật trong hoạt động Quốc hội. Đây là hình thức giám sát trực tiếp và được coi là công cụ giám sát mạnh nhất của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, hoạt động này đã được thực hiện gay từ Quốc hội khóa đầu tiên, tại Kỳ họp thứ 2 (khai mạc ngày 23/10 và kéo dài cho đến 9/11/1946). Ngày 31/10, người dân đến dự thính buổi họp Quốc hội chật kín hai tầng gác Nhà hát Lớn, Hà Nội để chứng kiến một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Việt Nam: Các đại biểu của nhân dân đứng lên chất vấn các Bộ trưởng, đặc biệt là chờ đợi Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời chất vấn.
Mặc dù ngày đó, trong bối cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Quốc hội còn “thanh niên” nhưng như Bác Hồ nhận xét: “Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.
Tinh thần dân chủ, thẳng thắn và quyết liệt ngay tại chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội khóa I, đã trở thành tấm gương để các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo học tập. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội nước ta cũng đã có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động giám sát cũng như những đổi mới trong hoạt động chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tiến hành sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn với 923 lượt đại biểu tham gia chất vấn tại 4 kỳ họp Quốc hội và 4 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua đây, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, bức xúc về kinh tế - xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra, trong đó, đã kịp thời điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt và cả những vấn đề có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài, tiếp tục kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhờ vậy, nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực, góp phần vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng thông qua hoạt động chất vấn, nhiều vị Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội giải trình minh bạch các thể chế, chính sách, nhận diện rõ hơn những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật, không ngừng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc khắc phục hạn chế, tồn tại.
“Những kết quả này tiếp tục khẳng định chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và là một khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong dòng chảy đó, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 - phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã để lại nhiều dấu ấn. Bởi đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực.
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra.
Mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành.
Đồng thời, thông qua hoạt động tái giám sát, sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đáng chú ý, do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề, mà theo nhóm lĩnh vực gồm: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng; nhóm lĩnh vực kinh tế ngành gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán. Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Cũng tại phiên chấn vấn này, Quốc hội đã dành thời gian để nghe Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và Tổng Thư ký Quốc hội trình bày tóm tắt báo cáo thực hiện và báo cáo thẩm tra về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Sau khi thực hiện chất vấn theo nhóm các lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương cho rằng, phiên chất vấn tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới và đặc biệt hơn so với các phiên chất vấn thông thường. Trước hết, về thời điểm chất vấn: Kỳ họp 6 là kỳ họp bản lề, khép lại nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và cũng là nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đây là thời điểm chúng ta nhìn nhận lại để đánh giá những kết quả đã nỗ lực đạt được trong nửa nhiệm kỳ, những tồn tại, hạn chế, yếu kém và phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó; trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể để tiếp tục nỗ lực hơn nữa thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai, về nội dung chất vấn: Với sự đặc biệt trong thời điểm tiến hành hoạt động chất vấn, nội dung chất vấn cũng có nhiều đặc biệt. Ở các kỳ họp khác, những nội dung chất vấn thuộc các nhóm vấn đề sẽ được đưa ra xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ lựa chọn nội dung chất vấn trên cơ sở các nhóm vấn đề đó (thường là 4 nhóm vấn đề có số đại biểu Quốc hội lựa chọn nhiều nhất sẽ được đưa vào chương trình chất vấn).
Tuy nhiên, tại Kỳ họp 6, không có nhóm vấn đề nào được đưa vào lựa chọn mà tất cả các thành viên của Chính phủ đều trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn là “việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết Kỳ họp 4”. Nghĩa là nội hàm của phiên chất vấn rất rộng, bao gồm tất cả các nội dung liên quan đến thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV hết Kỳ họp 4 khoá XV.
Thứ ba, về hình thức chất vấn: Hình thức chất vấn tại Kỳ họp 6 cũng khá đặc biệt. Bởi nội dung rất bao trùm nên mỗi phiên chất vấn sẽ có một số thành viên Chính phủ luân phiên trả lời theo các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội chứ không bố trí mỗi buổi một thành viên của Chính phủ trả lời như những phiên chất vấn thông thường, nghĩa là theo hình thức “hỏi nhanh đáp gọn”, tập trung vào những nội dung trọng điểm nhất xoay quanh việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tất cả các lĩnh vực, trong đó chia theo 4 nhóm lĩnh vực.
Không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm
Nhớ lại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, cử tri bày tỏ ấn tượng với phần chất vấn của đại biểu với Thủ tướng Chính phủ. Bởi chỉ trong thời gian khoảng 70 phút nhưng Thủ tướng đã báo cáo rất nhiều thông tin cập nhật, bổ sung tình hình kinh tế - xã hội và những vấn đề nổi lên trong quá trình chất vấn cũng như thảo luận ở tổ và hội trường về kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Từ câu chuyện cải cách thể chế; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy; phát triển du lịch bền vững; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đến các vụ việc cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của, công tác an sinh xã hội, cải cách tiền lương… đều đã được Thủ tướng giải đáp đầy đủ, rõ ràng và thoả đáng, quan trọng hơn là qua mỗi câu trả lời thấy được lối ra, cách giải quyết vấn đề…
Cũng tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, thảo luận tại tổ, hội trường và các phiên chất vấn của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội với kinh nghiệm của mình đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, chia sẻ, đóng góp sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết, sát thực tiễn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội thời gian qua.
Hầu hết các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với việc khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhiều đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao đã đồng hành với Chính phủ, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đóng góp, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những định hướng, giải pháp quan trọng, khả thi, sát thực tiễn trên các lĩnh vực.
Cũng trong 2,5 ngày Quốc hội tiến hành phiên chất vấn, nhiều vấn đề nóng ở các nhóm lĩnh vực đã được các đại biểu đặt ra để các Bộ trưởng và Trưởng ngành trả lời trước Quốc hội. Trong đó, phiên chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành thuộc nhóm lĩnh vực kinh tế ngành diễn ra sôi nổi, thẳng thắn với những tranh luận đến cùng từ các đại biểu Quốc hội.
Đơn cử, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng về 8 dự án BOT thua lỗ, đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương băn khoăn về giải pháp xử lý các dự án này là sẽ cắt giảm lợi nhuận của các chủ đầu tư hoặc đàm phán để giảm vốn ngân hàng.
Theo ông Huân, đây là cuộc đàm phán không cân bằng vì bản chất của ngân hàng là kinh doanh vốn, còn doanh nghiệp khi đầu tư bỏ tiền đồng, thu tiền hào với kỳ vọng vào lợi nhuận trong tương lai, bây giờ chúng ta lại đàm phán cắt giảm lợi nhuận của họ thì có ảnh hưởng đến niềm tin họ hay không. “Khi chim sẻ đã hoang mang thì đại bàng cũng lo lắng, nên cần rất cân nhắc giải pháp này" - đại biểu nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối với 8 dự án BOT, hiện nay Bộ đang làm việc rất sát sao với các nhà đầu tư, các ngân hàng trên cơ sở là đàm phán, vì đây là hợp đồng ký giữa 2 bên, trên nguyên tắc Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặt ra đó là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ. Các cơ quan đang nghiên cứu các phương án để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn.
“Chia lửa” trong nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề phát triển điện mặt trời mái nhà; hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử; dự án Long Phú I; quản lý kinh doanh thuốc lá điện tử; đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Người đứng đầu ngành Công Thương đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm làm thấu tỏ “chân tơ kẽ tóc” của vấn đề thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của Bộ Công Thương tại một cuộc đối thoại chính sách được truyền hình và truyền thanh trực tiếp tới cử tri và các đoàn đại biểu Quốc hội cả nước.
Trong đó, giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do FTA được Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Điểm rõ nhất là trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 12,5% trở lên) và liên tục có kết quả xuất siêu, 10 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 24,6 tỷ USD” - Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu ra 6 nhóm giải pháp cụ thể.
Với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn 310 đại biểu chưa được chất vấn và 15 đại biểu đăng ký nhưng chưa được tranh luận, sẽ gửi câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên có liên quan để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.
“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nêu.
Vừa là áp lực nhưng cũng là động lực
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này, thay vì chất vấn từng Bộ trưởng, từng vấn đề, hoạt động chất vấn đã được tiến hành theo nhóm vấn đề. Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá rất cao cách thức làm việc này, giúp các Bộ trưởng có sự chủ động nhất định và thể hiện trách nhiệm của mình rất rõ ràng qua chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ rằng, việc Quốc hội chất vấn theo nhóm lĩnh vực vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để các “Tư lệnh ngành” cảm thấy cần phải tăng cường trách nhiệm, tăng cường phối hợp hơn nữa để tập trung giải quyết vấn đề. Đồng thời, ngay trên diễn đàn Quốc hội, các Bộ trưởng đã có dịp nêu ra những khó khăn, vướng mắc để Quốc hội hiểu rõ hơn, gợi ý giải pháp tháo gỡ cùng Chính phủ, nhất là trong xây dựng thể chế, pháp luật.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa quan trọng trong việc đặt ra giải pháp thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của nửa nhiệm kỳ còn lại. Tinh thần đổi mới nơi nghị trường không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, mà còn giúp Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt lời hứa với các cử tri, là kiểm chứng nói đi đôi với hành động.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương: Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã có sự thay đổi ở cách thức tiến hành và nội dung. Cách đổi mới phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ là mở màn có tính chất tiền đề để tạo nên sự thành công của phiên chất vấn nói chung. Những người được chất vấn đều rất nỗ lực để thực hiện lời hứa của mình. Trong báo cáo của các ngành gửi đến Quốc hội, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn cũng như giám sát chuyên đề Quốc hội từ khóa XIV cho đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thì thấy có một sự nỗ lực rất lớn từ phía các ngành nói chung và Tư lệnh ngành nói riêng trong việc thực hiện. |
Bài 2: Bản lĩnh, trách nhiệm người đứng đầu
Quỳnh Nga - Thu Hường