Đoàn công tác của Chính phủ thăm, làm việc tại tỉnh Hải Dương Thanh Hà lên phương án xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm Hải Dương: Xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều Thanh Hà |
Vải thiều VietGap, GlobalGap… lên ngôi
Bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, người dân Thanh Hà - Hải Dương sẽ bắt đầu thu hoạch trà vải sớm và khoảng giữa tháng 6 thu hoạch trà vải thiều chính vụ. Do đó, vào những ngày này, các hộ gia đình, hợp tác xã đang tất bật chăm sóc, quản lý tốt các mã vùng trồng vải thiều, đảm bảo đến ngày thu hoạch vải sẽ ngon và sạch nhất, sẵn sàng cho những đơn hàng xuất ngoại.
Vải thiều Thanh Hà đã trở thành sản vật nức tiếng của tỉnh Hải Dương |
Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Đức, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà cho biết, Thanh Quang là xã có diện tích trồng vải lớn nhất của huyện Thanh Hà, với tổng diện tích 701 ha, trong đó, trà vải sớm chiếm tỷ lệ 80%, còn lại là vải tàu lai và vải thiểu chính vụ. Xã gồm có 17 tổ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap với diện tích là 207,35 ha và có 1.557 hộ gia đình tham gia sản xuất.
“Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các buổi tập huấn cho các hộ nông dân ngay từ đầu mùa vụ về công tác chăm bón và phòng trừ sâu bệnh để người dân nắm chắc các kiến thức cơ bản về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất đạt hiệu quả cao” - ông Nguyễn Văn Hiển nói.
Ngoài các buổi tập huấn, hội thảo, ông Hiển chia sẻ, Hợp tác xã còn lập nhóm Zalo trên địa bàn xã để người dân cập nhật được những thông tin mới nhất và có những chia sẻ trong nhóm về kinh nghiệm trong quản lý phòng trừ sâu bệnh; đồng thời, theo dõi, giám sát nhắc nhở các hộ gia đình, tổ sản xuất thực hiện nghiêm túc quy định trong công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không vi phạm các hoạt chất cấm cũng như lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Cũng là một trong số ít các xã trên địa bàn huyện Thanh Hà có diện tích trồng vải thiều lớn, bà Phạm Thị Mây, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho hay, tổng diện tích trồng vải của xã khoảng 260 ha, trong đó, diện tích trồng vải sớm khoảng 75 ha, diện tích trồng vải muộn khoảng 185 ha.
“Xã có 6 vùng sản xuất vải theo quy trình VietGap, GlobalGap, diện tích 47,7 ha và có 8 vùng được cấp mã số vùng trồng” - bà Phạm Thị Mây nhấn mạnh, đồng thời cho biết, năm 2023, xã Thanh Xá tiếp tục xác định tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng vải thiều để mang nguồn thu nhập cao cho các hộ dân của xã.
Ngay trong thời kỳ đang thu hoạch vải, xã đã chủ động tuyên truyền để nhân dân chủ động cắt cành, tạo tán, chăm sóc cây sau thu hoạch. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo kịp thời để nhân dân chăm sóc cây trồng, phun phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền, nâng cao chất lượng quả vải, khẳng định thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Người nông dân cũng thực hiện nghiêm việc áp dụng khoa học kỹ thuật và đặt thương hiệu chất lượng lên hàng đầu.
Thêm một mùa bội thu
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Hà lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Hà đã xác định chủ trương, định hướng về phát triển sản xuất các loại cây ăn quả chủ lực của huyện, bao gồm vải, ổi, bưởi, quất, chuối. Trong đó, đối với cây vải tập trung chỉ đạo sản xuất vải thiều tại các vùng có lợi thế về thổ nhưỡng; chỉ đạo sản xuất các loại cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp tốt (GAP).
Toàn huyện có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu |
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà thông tin, huyện Thanh Hà có 3.265 ha vải, trong đó vải sớm: 1.700 ha. Diện tích vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP khoảng 500 ha, trong đó có 400 ha VietGAP và 50 ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200 ha.
Đáng chú ý, toàn huyện có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu. Trong đó: 45 mã số vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc; 40 mã số vùng trồng xuất khẩu Australia; 36 mã số vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản; 39 mã số vùng trồng xuất khẩu Hoa Kỳ; 8 mã số vùng trồng xuất khẩu Thái Lan.
Ngoài việc tiếp tục duy trì các mã số vùng trồng, năm 2023, huyện cũng hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và đăng ký cấp 3 mã số cơ sở đóng gói mới, đảm bảo đủ điều kiện để xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc.
Tại các vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, người nông dân đã thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất dưới sự theo dõi, chỉ đạo, giám sát của địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh. Do đó, vải thiều Thanh Hà tại vùng trồng xuất khẩu đều đáp ứng được chất lượng, yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường quốc tế.
“Thời tiết vụ Đông xuân năm nay khá thuận lợi, hanh khô, có rét đậm kéo dài nên tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả cao, đạt trên 95%” - bà Hoàng Thị Thúy Hà nói và cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của các trà vải thiều hiện nay, chúng tôi đánh giá sản lượng vải thiều Thanh Hà năm 2023 ước đạt tương đương với sản lượng vải niên vụ 2021-2022.
"Dự báo năm 2023 là một năm vải được mùa, sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn, trong đó trà vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn” - bà Hoàng Thị Thúy Hà cho biết.
Với lịch sử hơn 150 năm, vải thiều Thanh Hà đã trở thành sản vật nức tiếng của địa phương. Để nói về loại quả quý này, nhà bác học Lê Quý Đôn có viết trong “Vân Đài loại ngữ”: “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn thấy hương thơm, tưởng chừng như thứ rượu tiên trên đời”. Do được nuôi dưỡng bởi những hạt phù sa màu mỡ của sông Rạng, sông Văn Úc, sông Thái Bình, cùng với kinh nghiệm của người nông dân kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng tiêu chuẩn hóa trong nước và quốc tế, chất lượng vải thiều Thanh Hà không ngừng được nâng cao. |
Quỳnh Nga - Nguyễn Duyên