EU siết quy định an toàn thực phẩm với nông sản, giải pháp nào tránh 'ổ gà' trên 'cao tốc' EVFTA? Bài 1: 'Cao tốc' EVFTA được tận dụng hiệu quả, hàng Việt rộn ràng vào EU |
Cơ hội rộng mở hợp tác logistics, giảm chi phí
Tình trạng thiếu container rỗng, ùn tắc nghiêm trọng tại các cảng châu Á và châu Âu khiến giá cước vận tải biển từ tháng 5 trở lại đây neo ở mức rất cao. Theo thống kê về chỉ số giá vận chuyển container của trang Drewry (Trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải), giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ bắt đầu tăng cao trở lại từ đầu năm 2024, đạt đỉnh vào cuối tháng 1.
Sang tháng 2, giá cước giảm dần và đạt mức thấp nhất vào ngày 25/4, tại thời điểm đó mức giá giảm 32% so với tháng 1.
Tháng 5, mức giá tăng nhanh trở lại đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 7, khi cao hơn khoảng 48% so với thời điểm tháng 1 và bằng 57% so với mức giá đỉnh điểm tại thời kỳ đại dịch (tháng 9/2021).
Hiện giá cước vận tải biển biến động trực tiếp theo cung, cầu của thị trường. Trong khi đó, Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hoá trên toàn cầu, do vậy giá cước vận tải container của Việt Nam đi nước ngoài không nằm ngoài xu hướng chung của giá vận tải thế giới. Do đó, tìm các giải pháp gỡ khó cho logistics là giải pháp quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay.
Cảng Gothenburg là một cảng biển trọng yếu tại Thuỵ Điển nói riêng và khu vực châu Âu nói chung (Ảnh minh hoạ, nguồn: expedia.com.vn) |
Là một thị trường rộng lớn và phát triển thương mại hàng đầu thế giới, logistics cũng là một trong những lĩnh vực thế mạnh của EU. Hiện nay, EU tập hợp các doanh nghiệp rất mạnh về thị trường logistics, với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics trên thế giới.
Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực logistics của Ngân hàng thế giới công bố hàng năm, các nước EU luôn chiếm các vị trí đầu bảng (như Đức, Hà Lan, Thuỵ Điển, Bỉ).
Hiện nhiều các doanh nghiệp logictics EU đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dù trước đó mức độ mở cửa của Việt Nam đối với logistics theo WTO vẫn còn rất hạn chế. Hợp tác logistics càng được nhắc đến nhiều hơn trong bối cảnh chi phí dịch vụ logistics đang tăng cao.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương phân tích, những cam kết của EVFTA liên quan đến logistics có thể có mức độ mở cửa thị trường cao hơn so với WTO và một số hiệp định khác, kể cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo ông Khanh, nhóm thứ nhất liên quan đến logistics chủ yếu là dịch vụ xếp dỡ, lưu kho và các dịch vụ hỗ trợ khác; nhóm thứ hai là các dịch vụ như: Vận tải biển, vận tải bộ, vận tải đường không, dịch vụ chuyển phát, phân tích kiểm định kỹ thuật...
Ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh về tính liên kết giữa các doanh nghiệp. Theo đó, cần quan tâm phát triển các "sếu đầu đàn" trong logistics. Nếu tạo ra được các flagship (doanh nghiệp dẫn dắt); khi đó không phải flagship làm hết mà sẽ có những dịch vụ được các đối tác trong chuỗi liên kết thực hiện và liên kết doanh nghiệp này có thể cung cấp toàn bộ các dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Hiện thực hoá các cam kết tại EVFTA, thời gian qua, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã đẩy mạnh việc hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics hai bên.
Hiện, Thuỵ Điển là một trong những thị trường có chỉ số logistics phát triển hàng đầu thế giới. Trong đó, cảng Gothenburg là một cảng biển trọng yếu tại Thuỵ Điển nói riêng và khu vực châu Âu nói chung. Đại diện cảng Gothenburg đã 2 lần sang Việt Nam tham dự Hội chợ Vietnam International Sourcing năm 2023 và 2024 để tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quan trọng này.
Hợp tác logistics có thể hỗ trợ tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU (Ảnh minh hoạ) |
Sau 2 lần sang Việt Nam dự sự kiện, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, nhận thấy tiềm năng từ thị trường Việt Nam, cảng Gothenburg đã làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng và chuẩn bị ký bản ghi nhớ (MOU) về xúc tiến xuất nhập khẩu trực tiếp giữa Việt Nam và Thụy Điển, thông qua cảng Gothenburg và các cảng thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn.
Đồng thời, hai doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực cảng biển. MOU này dự kiến được ký vào ngày 6/9 tới, với sự chứng kiến của Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo UBND Thành phố Hải Phòng tại Stockholm (Thuỵ Điển).
Như vậy, EVFTA đã mở ra cơ hội hợp tác mạnh trong lĩnh vực logistics. Việc xuất nhập khẩu trực tiếp giữa Việt Nam và Thụy Điển sẽ giúp hàng Việt Nam giảm bớt chi phí giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Ứng phó khi cước tàu biển đang tăng “phi mã”
Bên cạnh việc tăng cường hợp tác logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng có thể lựa chọn các cảng biển khác nhằm giảm bớt chi phí.
Bà Đinh Thị Hoàng Yến – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia cho biết, do vị trí địa lý và sự phát triển chiến lược của Cảng Koper, Slovenia đã nổi lên như một trung tâm hậu cần trong mạng lưới vận tải xuyên châu Âu. Cảng Koper là cảng biển lớn nhất của Slovenia và là một trong 3 cảng lớn của vùng biển Adratic bên cạnh cảng Trieste của Italia và cảng Rijeka của Croatia, nối với biển Địa Trung Hải và thông qua Ấn Độ Dương qua kênh đào Suez.
Ngày 22/12/2022, cảng Koper của Slovenia là cảng đầu tiên ở phía bắc Adriatic có công suất vượt quá một triệu TEU container trong một năm, đến cuối tháng 12 sẽ có thêm 10.000 container nữa, nâng tổng sản lượng của Koper tăng 150% so với năm trước. Trong vòng 10 năm tới, Cảng Koper muốn đạt hai triệu TEU container với việc mở rộng đường vào cảng và ga đường sắt vận chuyển hàng hóa cho tàu dài từ 500m lên 750m.
Tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp UBLCP về hợp tác kinh tế Việt Nam và Slovenia lần thứ 3 tại thủ đô Ljubljana của Slovenia. Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đến thăm và làm việc với cảng Koper. Phía Slovenia bày tỏ mong muốn tạo sự kết nối trực tiếp giữa các cảng biển Việt Nam với cảng Koper của Slovenia, một trong những cảng có vị trí địa lý chiến lược, là Trung tâm logistics hàng đầu tại châu Âu nói chung và khu vực Adriatic nói riêng.
Cảng Koper của Slovenia có thể trở thành cầu nối gần hơn, nhanh hơn và chi phí hợp lý hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU (Ảnh: Vinfast) |
“Thông qua kết nối này, với thế mạnh về cảng biển và logistics, Slovenia có thể trở thành cầu nối gần hơn, nhanh hơn và chi phí hợp lý hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU, nhất là các nước Đông Âu và Trung Âu” – bà Đinh Thị Hoàng Yến nói.
Hiện, khoảng cách từ cảng Hải Phòng đến cảng Koper là 8.715 hải lý, đến Rotterdam là 10.942 hải lý, đến Hamburg là 11.200 hải lý, mất từ 23 đến 30 ngày đi qua Singapore, tiết kiệm được 7 ngày và giảm giảm 50% lượng khí thải CO2. Xung quanh cảng Koper là các thành phố lớn như Viên (Áo), Budapest (Hungary), Munich (Đức), Bratislava (Slovakia), Praha (CH Séc), Vacsava (Balan) và Belgrade (Sebia) có thể đến trong vòng 24 giờ. Hiện có các công ty vận tải đường biển của thế giới như Maesk, MSC, CMA CGM, Evergreeen, Hapag Lloyd, Cosco… đang hoạt động tại cảng.
Tháng 9/2024, Slovenia sẽ có đoàn doanh nghiệp về logistics vào Việt Nam nhằm phát triển mối quan hệ kinh doanh với các công ty vận tải quốc tế và logisics có trụ sở tại Việt Nam, các công ty trong ngành, các bên liên quan, đồng thời giới thiệu các giải pháp chuỗi cung ứng toàn diện (cảng, hải quan, hàng hải, và vận tải đường bộ tới điểm đến) cho hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam đi thị trường Trung và Đông Âu và hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Đông Âu về Việt Nam, nối lại tuyến hàng hải trực tiếp từ thành phố Hồ Chí Minh đi Koper đã có từ trước dịch Covid 19. Nhân dịp này, Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Xúc tiến Đầu tư (Spirit Slovenia) thuộc Bộ Kinh tế Slovenia sẽ ký MOU về hợp tác giữa hai cơ quan để hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Trong tương lai, Việt Nam cũng có thể kết hợp với cảng Koper xây dựng một trung tâm logistics với hệ thống kho lạnh để bảo quản các mặt hàng xuất khẩu tươi sống như hoa quả, thuỷ sản của Việt Nam. Trong điều kiện nhiều nước châu Âu chưa có tuyến bay thẳng và giá cước phí vận chuyển đắt đỏ, lựa chọn vận tải đường biển sẽ là một giải pháp tối ưu cho bài toán kinh tế cho hàng Việt Nam vào EU. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể xây dựng các sàn thương mại điện tử tại các thị trường lớn của EU để tập hợp đơn hàng, thuận tiện giao dịch quốc tế, hạ giá thành vận chuyển cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bài 3: Để tận dụng tốt nhất ‘cao tốc’ EVFTA