Làm rõ dư luận về công tác quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn Bài 2: Buông lỏng quản lý đất rừng, hàng loạt cán bộ bị xử lý Bài 3: Điều chỉnh quy hoạch rừng là giải pháp căn cơ |
“Chính quyền các cấp đều biết câu chuyện vi phạm đất rừng tại huyện Sóc Sơn. UBND TP Hà Nội đã rất quyết liệt, đưa Thanh tra vào cuộc nhưng công tác xử lý các vụ việc sai phạm được chỉ ra lại rất chậm”. Đây là chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT - GS Đặng Hùng Võ với Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn.
GS Đặng Hùng Võ |
Nhiều đơn vị cùng phải chịu trách nhiệm
Nhiều năm theo dõi, ông đánh giá như thế nào về câu chuyện quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn và sự vào cuộc của UBND TP Hà Nội đối với vấn đề này?
Cá nhân tôi nhìn nhận việc quản lý rừng và đất rừng tại huyện Sóc Sơn dường như liên tiếp rơi vào những sai lầm nhưng không được xử lý kiên quyết, đúng mức độ. Có lúc sai phạm đang được xử lý thì bị quyết định dừng lại để giải quyết khiếu nại của dân.
Nhìn vào toàn bộ quá trình lấn chiếm, xây dựng trên đất rừng đã thể hiện nhiều mặt của quá trình chuyển lợi ích công từ rừng và đất rừng sang lợi ích tư nhân gắn với nhà ở xây dựng trên đất rừng. Chính quyền các cấp đều biết. Chính quyền Hà Nội đã đưa Thanh tra vào cuộc. Nhìn vào kết luận thì thấy TP làm rất quyết liệt, nhưng công tác xử lý các vụ việc sai phạm đã chỉ ra lại rất chậm.
Tôi có cảm giác chủ trương xử lý của chính quyền Hà Nội đã có nhưng lợi ích tư nhân đang kìm hãm việc xử lý. Tôi cũng cho rằng, những sai phạm đã diễn ra cần được quy thành tiền. Sai phạm do quản lý yếu kém là tội danh gây lãng phí, còn sai phạm do tư lợi là tội danh tham nhũng. Cứ thế mà kênh tư pháp phải vào cuộc.
Để xảy ra những tồn tại trong công tác quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Tôi vẫn nhớ những cái sai trong quản lý rừng và đất rừng tại huyện Sóc Sơn đã được phát hiện đầu tiên vào năm 2006. Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc nhiều lần, mà gần đây nhất là vào năm 2019. Các cuộc thanh tra chỉ ra rất nhiều sai phạm cụ thể. Đã có nhiều cán bộ cấp cơ sở bị truy tố và lâm vòng lao lý. Lỗi lầm quản lý của bộ máy chính quyền gồm UBND huyện Sóc Sơn và trực tiếp là của các Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng… là rất lớn.
Chúng ta cần lưu ý rằng, một cơ quan quản lý có 2 trách nhiệm: Một là triển khai việc thực thi pháp luật và hai là kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật của các cấp dưới. Điều này có nghĩa rằng một cấp hành chính có sai phạm thì các cấp trên đều phải chịu trách nhiệm, trong đó cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm cao nhất. Tuyệt đối không thể trốn trách nhiệm bằng câu trả lời “cấp dưới họ làm mà chúng tôi không biết”.
Khu vực hồ chứa Đồng Đò thuộc xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn |
Không nên đổ hết lỗi cho quy hoạch
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm đất rừng tại huyện Sóc Sơn diễn ra phức tạp nhiều năm qua là do hạn chế, bất cập trong Quy hoạch rừng năm 2008 của TP Hà Nội?
Đúng là điều này có xảy ra ở huyện Sóc Sơn nhưng không thể đổ tất cả là do sai lầm trong công tác quy hoạch, cụ thể là Quy hoạch rừng năm 2008 của TP Hà Nội. Khi quy hoạch rừng này được xây dựng, nhiều rừng sản xuất của người dân đã được quy hoạch thành rừng phòng hộ của Nhà nước. Vấn đề là cơ quan chức năng đã không thực hiện các cơ chế tài chính phù hợp để chuyển chủ sở hữu rừng hay một số công đoạn chăm sóc rừng từ khu vực tư nhân sang khu vực Nhà nước.
Chúng ta hay sử dụng cách đổ lỗi cho quy hoạch để trốn tránh trách nhiệm trong quản lý đất đai (quản lý việc chuyển đất rừng sang làm đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà biệt thự cho giới giàu có) và quản lý xây dựng (xây dựng không phép hoặc xây dựng có phép trên đất không được xây dựng). Nói cách khác, đối với đất rừng tự nhiên, các nhà quản lý nhiều cấp, nhất là cấp cơ sở hay vì lợi ích của người có tiền mà “bật đèn xanh” vì đã nhận “phong bì” rồi.
Không chỉ ở huyện Sóc Sơn, tình trạng vi phạm rừng và sử dụng đất rừng trái phép cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương khác trên cả nước, thưa ông?
- Đúng vậy, chuyện con người phá rừng xảy ra không chỉ ở huyện Sóc Sơn mà còn ở rất nhiều nơi có rừng tự nhiên mà rừng đó tạo ra được lợi ích riêng cho con người. Tôi cũng đã tổng kết ra 6 loại tàn phá rừng tự nhiên.
Thứ nhất là các thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt đặt tại các khu rừng tự nhiên.
Thứ hai là các công trình bất động sản du lịch mọc lên trên đất rừng tự nhiên trong bối cảnh khung pháp lý chưa có. Thứ ba là các đại gia hay quan chức có tiền xây biệt phủ trong rừng, làm mất rừng tự nhiên.
Thứ tư là phá rừng tự nhiên làm vườn cây công nghiệp hay cây ăn trái, xảy ra ở nhiều nơi, nhất là vùng Tây Nguyên. Thứ năm là lâm tặc, ăn cắp gỗ quý từ các rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn. Thứ sáu là con người tạo ra cháy rừng rồi đổ cho thiên nhiên làm ra. Tôi nhớ rừng tại huyện Sóc Sơn cũng đã có lần bị cháy và bị nghi vấn ồn ào là do con người làm ra.
Hiện nay, TP Hà Nội đang chỉ đạo huyện Sóc Sơn tập trung phối hợp với các sở, ngành rà soát, tiến tới điều chỉnh Quy hoạch rừng năm 2008. Làm thế nào để quá trình điều chỉnh quy hoạch này không tạo ra “cơ hội” để tư nhân lót tay cho chính quyền, biến các sai phạm trở thành hợp pháp?
Việc điều chỉnh quy hoạch rừng lần này sẽ được các cấp có thẩm quyền giám sát thực hiện, trong đó có Thành ủy Hà Nội, vì công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay trực thuộc các cơ sở Đảng. Do đó, khi ra quyết định, các cấp sẽ phải cân nhắc xem lợi ích thuộc về tư nhân hay thuộc về Nhà nước.
Tôi cũng cho rằng, sai phạm lúc nào thì phải xử lý theo hiện trạng lúc đó. Không thể để sai phạm tồn tại một thời gian dài rồi điều chỉnh quy hoạch và xử lý sai phạm theo quy hoạch mới. Nếu điều này xảy ra, đây cũng là tội tham nhũng.
Đối với câu chuyện đất rừng tại huyện Sóc Sơn, tôi cho rằng không có cách giải quyết nào khác, Thành ủy Hà Nội phải vào cuộc. Tuyệt đối không thể điều chỉnh quy hoạch rừng để hợp thức hóa sai phạm, vì điều đó là sai về cả nguyên tắc và quy định pháp luật.
Những bất cập trong câu chuyện quản lý đất rừng dựa vào quy hoạch gắn với trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền đã và đang xảy ra ở rất nhiều nơi, chứ không chỉ riêng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. GS Đặng Hùng Võ Trong công điện ban hành mới đây về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các địa phương rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất và quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, có hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của người dân. Xin cảm ơn ông! |
kinhtedothi.vn