Tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội).
Tạp chí Tiên Phong - Cơ quan Vận động Văn hóa Mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam số 1 |
Đề cương về văn hóa Việt Nam xác định rõ ba nguyên tắc: "Dân tộc hóa"; "Đại chúng hóa"; "Khoa học hóa". Ngay từ khi ra đời, Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa, như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới.
Đồng thời động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sỹ, những người nặng lòng với đất nước dấn thân cùng Đảng Cộng sản Đông Dương để cứu nước, cứu dân, hăng hái tham gia mặt trận văn hóa, tư tưởng...
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa ra đời, Đảng và Nhà nước ta, cùng với nhiệm vụ xây dựng chế độ mới, gồng sức chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đã bắt tay xây dựng nền văn hóa mới và bổ sung thêm những nội dung và nhiệm vụ mới.
Đề cương về văn hóa Việt Nam được các nhà chính trị, giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử lúc đó và sau này ví như là tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa theo chủ nghĩa Mác; định hình những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc cơ bản cho thời kỳ đó và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong nhiều năm tiếp theo.
Ngày 10/11/1945, Tạp chí Tiên Phong - Cơ quan Vận động Văn hóa Mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam ra số 1 với chủ trương “Khoa học, đại chúng, dân tộc”.
Bộ Biên tập bao gồm Nam Cao (thư ký tòa soạn), Ngô Quang Châu, Xuân Diệu, Nguyễn Hữu Đang, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Vũ Hầu, Kim Lân, Vương Thế Nghiêm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Mỹ, Học Phi, Như Phong, Thâm Tâm, Nguyễn Huy Tưởng, Hải Thanh, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Trần Huyền Trân, Hải Triều, Bùi Công Trừng. Trình bày báo là các họa sĩ: Nguyễn Thị Kim, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Đôn, Trần Đình Thọ.
Hiện Bản gốc của Tạp chí Tiên Phong số 1 đang được lưu giữ tại kho quản lý hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Chỉ khi có triển lãm trưng bày thì hiện vật mới được mang ra khỏi nơi bảo quan chuyên dụng.
Bản gốc của Tạp chí Tiên Phong số 1 lưu giữ tại kho quản lý hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bảo Thoa