Bán hàng giả, kém chất lượng trên mạng sẽ bị xử phạt lên đến 10 năm tù

15/04/2025 - 04:16
(Bankviet.com) Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đề xuất mức xử phạt từ 5–10 năm tù với hành vi bán hàng giả thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên.
Thương mại điện tử

Bán hàng giả, kém chất lượng trên mạng sẽ bị xử phạt lên đến 10 năm tù

Ngọc Linh 10/04/2025 10:36

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đề xuất mức xử phạt từ 5–10 năm tù với hành vi bán hàng giả thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên.

Đề xuất tăng nặng xử phạt hành vi buôn bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, song cũng kéo theo hàng loạt nguy cơ về chất lượng và nguồn gốc hàng hóa. Nhằm siết chặt quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm và phụ gia, Bộ Công an mới đây đã đề xuất bổ sung hàng loạt quy định mới vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, trong đó nhấn mạnh việc xử phạt nghiêm các cá nhân và tổ chức lợi dụng nền tảng số để kinh doanh hàng giả.

bán hàng giả online
Buôn bán hàng giả online sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật

Theo nội dung dự thảo, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm nếu diễn ra trên các nền tảng có lượng người tiếp cận từ 500 người trở lên sẽ đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù giam. Đây là lần đầu tiên yếu tố “sàn thương mại điện tử” được đưa vào như một tình tiết tăng nặng, phản ánh đúng thực tiễn hiện nay khi hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng được “ngụy trang” tinh vi qua các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Đặc biệt, mức phạt tiền bổ sung đối với cá nhân vi phạm cũng được đề xuất tăng gấp đôi so với quy định hiện hành, từ mức 20–100 triệu đồng lên 40–200 triệu đồng. Với pháp nhân thương mại, con số này có thể lên tới 36 tỷ đồng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng hoặc an ninh trật tự.

Bộ Công an cũng kiến nghị áp dụng hình thức tịch thu tài sản, cấm hành nghề từ 1–5 năm đối với người trực tiếp vi phạm, thể hiện quyết tâm triệt tiêu hành vi tái phạm trong lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro này.

Đảm bảo an toàn thực phẩm: Chuyển từ cảnh báo sang chế tài mạnh mẽ

Không chỉ dừng lại ở hành vi sản xuất – buôn bán hàng giả, dự thảo sửa đổi còn mở rộng nội dung tại Điều 317 liên quan đến các vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo đó, người sử dụng hóa chất, phụ gia cấm, động vật chết, thực phẩm chứa chất ngoài danh mục… trong sản xuất, chế biến có thể bị phạt tù từ 3 đến 20 năm, tùy theo mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra.

Quang Linh Vlog kẹo kera
Vụ việc kẹo Kera của Quang Linh Vlogs - Hằng Du Mục - Hoa hậu Thùy Tiền đang gây tranh cãi vô cùng lớn

So với quy định hiện hành vốn có mức phạt tù nhẹ từ 1–3 năm, việc đề xuất nâng khung hình phạt thấp nhất lên 3 năm và cao nhất lên 20 năm cho thấy rõ định hướng “hình sự hóa” các hành vi vi phạm có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Dự thảo cũng đã loại bỏ cụm từ “mà biết” trong các hành vi vi phạm, nhằm tránh tình trạng người phạm tội thoát trách nhiệm với lý do không biết đó là chất cấm hay sản phẩm nguy hại.

Việc đưa các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử vào khung hình phạt hình sự là bước đi kịp thời và cần thiết. Bởi trong môi trường số, ranh giới giữa thật – giả ngày càng khó phân biệt, và chỉ khi có những quy định đủ mạnh về xử phạt, người kinh doanh mới buộc phải thay đổi tư duy, nâng cao ý thức trách nhiệm.

Ngọc Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán