Hệ thống thương vụ Việt Nam: Phát huy tinh thần tiên phong trên 'mặt trận' kinh tế Chùm ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu |
Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài có vai trò đặc biệt quan trọng
Trong hai ngày 18 và 19/7/2024, Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu đã diễn ra tại Italia nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế - thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trong khu vực châu Âu và thế giới; cùng đó, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác kết nối, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tuyên truyền đến hoạt động của các Thương vụ tại châu Âu và trên thế giới nói riêng, cũng như công tác phối hợp giữa Báo Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông và phổ biến thông tin thị trường.
Tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh có bài tham luận về phối hợp trong công tác truyền thông và phổ biến thông tin thị trường. |
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh đánh giá, đưa hàng Việt ra nước ngoài là một trong những thành quả lớn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế - một trong những định hướng quan trọng của Đảng đã được đề ra từ nhiều năm nay. Tham gia vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam từ một nước nhập khẩu đã trở thành quốc gia xuất khẩu và những năm gần đây, xuất khẩu luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế trong nước. Đặc biệt, nhờ thực hiện hiệu quả, khai thác tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại, Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,04 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 51,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD). Nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành Công Thương trong các hoạt động kinh tế quốc tế, đặc biệt là hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài", ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Hiện nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 Thương vụ và 4 Chi nhánh (kể cả 2 Thương vụ là Iraq và Liban chưa triển khai); khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 Thương vụ và 3 Chi nhánh. Ngoài ra có 1 Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 Văn phòng Xúc tiến thương mại (1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).
Phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông và phổ biến thông tin thị trường
Là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, diễn đàn của giới Công Thương Việt Nam, với nỗ lực đổi mới toàn diện, từ xếp hạng trên 620 sau hơn 2 năm đổi mới, đến tháng 6/2024, Báo Công Thương đã lọt Top 50, tăng hơn 570 bậc, theo trang xếp hạng quốc tế Similarweb. Hiện Báo Công Thương tự hào đã trở thành một trong 50 tờ báo điện tử có lượng người xem lớn nhất Việt Nam (xếp hạng 48). Báo Công Thương cũng đứng thứ hạng 474 trong số hàng trăm nghìn trang website tại Việt Nam.
Báo Công Thương hiện có rất nhiều sản phẩm như: Báo Công Thương giấy, Báo Công Thương điện tử, Chuyên trang Công Thương Media, Chuyên trang Cơ hội giao thương, Chuyên trang Thương hiệu quốc gia, Chuyên trang Kinh tế Việt Nam và hệ sinh thái các nền tảng mạng xã hội uy tín đã được cấp tick xanh, tick xám như: Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok.
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cho biết, xác định việc tuyên truyền kịp thời, chính xác, có chiều sâu các thông tin về kinh tế ngành là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thời gian qua, Báo Công Thương tự hào đã trở thành “cầu nối” của các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung và các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu nói riêng với các Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương và bạn đọc cả nước.
Chuyên mục Thông tin thương vụ và chuyên trang “Cơ hội giao thương” trên Báo Công Thương điện tử góp phần đẩy mạnh quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ. |
Hiện nay, Báo Công Thương đã mở chuyên mục Thông tin thương vụ và chuyên trang “Cơ hội giao thương” trên Báo Công Thương điện tử. Tại chuyên mục và chuyên trang này thực hiện đăng tải các tin tức, hoạt động, khuyến cáo, đề xuất của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài về hàng hóa, thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu của Việt Nam…; cơ hội giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại các thị trường quốc tế và ngược lại, góp phần đẩy mạnh quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ.
Nhiều Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu như: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu; Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (kiêm nhiệm Lúc-xăm-bua, Uỷ ban Châu Âu); Thương vụ Việt Nam tại Áo; Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan… đã thường xuyên phối hợp với Báo Công Thương để đăng tải thông tin về các hoạt động của mình, giúp lan toả đến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp một cách hiệu quả, chính xác nhất.
Đặc biệt, khi có những vụ việc nổi cộm cần tuyên truyền mạnh và định hướng dư luận, Báo Công Thương đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các cơ quan thương vụ, các tham tán thương mại tại nước ngoài để có những thông tin chính xác tới bạn đọc.
Đơn cử như năm 2022, khi xảy ra vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị lừa đảo, phóng viên Báo Công Thương đã bám sát thông tin, thường xuyên liên lạc với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italia để cập nhật diễn biến thông tin mới nhất đến bạn đọc cả nước.
Báo Công Thương đã sản xuất các chùm bài liên quan đến vấn đề này và đăng tải trên tất cả các ấn phẩm của mình, giúp doanh nghiệp và bạn đọc cả nước hiểu rõ diễn biến vụ việc, hiểu được sự nỗ lực hết sức của Thương vụ Việt Nam tại Italia (kiêm nhiệm Hy Lạp, Malta, Síp, San Marino) nói chung và Trưởng cơ quan thương vụ (thời điểm đó là ông Nguyễn Đức Thanh) nói riêng. Đặc biệt, từ đó đưa ra những khuyến cáo kịp thời, cấp thiết đến doanh nghiệp nhằm tránh những rủi ro tương tự.
Những năm vừa qua, nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách, Báo Công Thương đã sản xuất Chương trình Chính sách và Đối thoại theo hình thức talkshow trên Báo Công Thương điện tử. Đây là diễn đàn của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về các vấn đề thời sự được dư luận, xã hội quan tâm, trong đó có các vấn đề nóng liên quan đến ngành Công Thương. Tại diễn đàn này, cho dù có thời điểm lệch múi giờ, thực hiện talk trực tiếp, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã nhiệt tình tham gia với vai trò là diễn giả trong nhiều nội dung có liên quan, cung cấp kịp thời các thông tin thị trường nước ngoài đến với bạn đọc Báo Công Thương.
Cùng với việc đăng phát trên Chuyên trang Công Thương Media của Báo Công Thương điện tử, các chương trình này còn được đăng phát trên các nền tảng mạng xã hội của báo như Tiktok, Youtube, Facebook và nhận được lượng xem cao, tương tác lớn. Điều này cho thấy các thông tin từ thương vụ Việt Nam tại nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm lớn của độc giả Báo Công Thương.
Đặc biệt, xác định vai trò của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giữ vị trí quan trọng trong việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng xuất khẩu, làm cầu nối tìm bạn hàng cho các doanh nghiệp trong nước để đẩy mạnh xuất khẩu… từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, hoạt động cung cấp thông tin thị trường và tư vấn thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương đặc biệt được quan tâm. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.
Để góp phần lan toả thông tin từ hoạt động quan trọng này, Báo Công Thương đã dành dung lượng lớn trên các ấn phẩm của mình để đưa tin kịp thời về các sự kiện. Đồng thời, tích cực đưa các thông tin sâu trước, trong và sau sự kiện. Bên cạnh các tin bài trên các ấn phẩm, Báo Công Thương còn sản xuất các video và talkshow đăng phát trên Chuyên trang Công Thương Media và các nền tảng mạng xã hội, thu hút rất đông bạn đọc.
Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần kịp thời cung cấp thông tin cho Báo Công Thương
Có thể thấy, thời gian qua, Báo Công Thương và các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung, Thương vụ Việt Nam tại châu Âu nói riêng đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông và phổ biến thông tin thị trường. Hiệu quả thu được là rất lớn trong việc lan toả thông tin của các Thương vụ. Tuy nhiên, theo Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh công tác này hiện vẫn còn một số hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, việc chủ động cung cấp thông tin của các Thương vụ dù đã triển khai, nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Hiện nay mới chỉ có một số Thương vụ thường xuyên cộng tác với Báo Công Thương. Ở một số Thương vụ, phóng viên còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin, còn từ chối nhiều lần khi phóng viên Báo Công Thương muốn phỏng vấn hoặc mời tham dự các Chương trình Chính sách và Đối thoại của Báo.
Thứ hai, do kinh phí của báo hạn chế nên phóng viên của Báo còn chưa có dịp đi công tác nước ngoài nhiều, dẫn đến việc nắm bắt thông tin cụ thể về thị trường nước ngoài còn hạn chế. Do đó còn thiếu các tuyến bài thực sự sâu sắc về một thị trường cụ thể.
Để hoạt động phối hợp thông tin tuyên truyền giữa Báo Công Thương và các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung, Thương vụ Việt Nam tại châu Âu nói riêng được hiệu quả hơn, Báo Công Thương đề nghị một số nội dung sau:
Một là, các tham tán thương mại, tùy viên tại các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung, Thương vụ Việt Nam tại châu Âu nói riêng thường xuyên gửi các bản tin, thông tin tuyên truyền về thị trường, hoạt động của Thương vụ cho Báo Công Thương theo địa chỉ [email protected].
Hai là, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung, Thương vụ Việt Nam tại châu Âu nói riêng cần nhanh chóng, kịp thời cung cấp các thông tin cho Báo Công Thương khi phát sinh các vấn đề nóng, các vụ việc nổi cộm.
Ba là, tích cực tham gia các talkshow của Báo Công Thương để cập nhật các thông tin thị trường cho bạn đọc của báo một cách chính xác và kịp thời nhất.
Bốn là, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung, Thương vụ Việt Nam tại châu Âu nói riêng tăng cường hỗ trợ Báo Công Thương trong kết nối thông tin với các doanh nghiệp Việt kiều tại địa bàn nước sở tại nhằm đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài ưu tiên sử dụng, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.
Có như vậy, công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tuyên truyền đến hoạt động của các Thương vụ tại châu Âu và trên thế giới nói riêng, cũng như việc phổ biến các thông tin thị trường mới đạt được hiệu quả cao nhất.