Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới Triển lãm Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn |
Lần đầu tiên, tại một Trung tâm Lưu trữ quốc gia, người tham dự được trải nghiệm ứng dụng Hologram để hiểu về câu chuyện Mộc bản Triều Nguyễn bằng tranh cát, công nghệ 3D Mapping để xem quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản, sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360, quét mã QR Code để xem thông tin trưng bày…
Đây là sự kiện mở đầu quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi và bổ ích của khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ khi đặt chân đến thành phố Đà Lạt.
Tiết mục múa “Hành trình di sản trong thời đại số” phác họa lại hành trình tạo tác, bảo tồn và phát huy của Mộc bản |
Trong những năm qua, ngành lưu trữ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành sứ mệnh bảo quản an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ. Gần đây, việc chuyển đổi từ tư liệu truyền thống sang tư liệu số là một bước tiến mới. Đó là việc xây dựng hệ thống cở sở dữ liệu quy mô; là các hoạt động đẩy mạnh việc công bố, tuyên truyền, triển lãm tài liệu lưu trữ trên môi trường mạng; là việc ứng dụng các công nghệ mới nhất đã làm cho Lưu trữ Việt Nam tự hào trở thành một trong những nền lưu trữ tiên tiến trên thế giới.
Mộc bản Triều Nguyễn đã trải qua một hành trình đầy biến động trước khi được gìn giữ và tôn vinh như ngày nay. Được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XIX cùng với sự thành lập của vương triều Nguyễn, khối tài liệu này được coi là quốc bảo, là báu vật của hoàng triều. Từ khi khởi thảo cho đến khi hoàn thành bộ ván khắc, những mộc bản này phải trải qua một quy trình chế tác hết sức nghiêm ngặt theo mệnh vua ban để thực hiện sứ mệnh lưu trữ, truyền bá thông tin.
Cho đến đầu thế kỷ XX, khi công nghệ in phát triển, Mộc bản lúc này không còn giữ vai trò là các “máy in” chủ đạo nữa mà trở thành những tài liệu gốc, được bảo quản, lưu trữ để đối chiếu với các thư tịch khác. Năm 1960, nhận thức rõ vai trò, vị trí hết sức quan trọng của tài liệu lưu trữ, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã quyết định chuyển toàn bộ khối tài liệu Châu bản, Mộc bản cùng các tài liệu lưu trữ quan trọng khác của triều Nguyễn và chính quyền bảo hộ Pháp tại Trung Kỳ từ Huế về Đà Lạt để bảo quản lâu dài, tránh sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu miền Trung.
Cơ quan chịu trách nhiệm bảo quản, gìn giữ khối tài liệu này khi đó là Chi nhánh Văn khố Đà Lạt, một đơn vị lưu trữ chuyên trách. Tháng 3 năm 1975, khi chuẩn bị rút chạy khỏi Đà Lạt, chính quyền Sài Gòn còn định điều cả chuyên cơ vận tải C130 để vận chuyển khối tài liệu này về Sài Gòn nhưng không kịp, nhiều Mộc bản được đóng gói và bị bỏ lại sân bay Liên Khương. Sau đó, chính quyền quân quản đã cho vận chuyển trở lại Đà Lạt và bàn giao cho các cơ quan tỉnh Lâm Đồng quản lý.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của tài liệu lưu trữ do chính quyền cũ để lại, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành Chỉ thị số 242 - CT/TU ngày 20/11/1976 của Ban Bí thư và Thông tư số 101-BT ngày 09/5/1977 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng về việc tập trung quản lý và sử dụng tài liệu lưu trữ của chính quyền cũ ở miền Nam. Sau đó, Phủ Thủ tướng đã giao cho Cục Lưu trữ liên hệ với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng để tiếp nhận các tài liệu trên.
Và đến năm 1981, việc bàn giao đã được thực hiện giữa Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Kho Lưu trữ trung ương II tại Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Năm 2006, Bộ Nội vụ thành lập Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt và giao cho Trung tâm trực tiếp quản lý, tổ chức sử dụng khối tài liệu này cho đến ngày nay.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho biết: Việc tổ chức triển lãm bắt nguồn từ những trăn trở của chúng tôi trong quá trình thực hiện công tác phát huy giá trị tài liệu cũng như bảo tồn di sản. Thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sẽ phối hợp với Chính phủ, các cấp, các ngành cũng như các đơn vị để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản Triều Nguyễn. Đồng thời, Trung tâm cũng hy vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ doanh nghiệp trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, văn hóa, lịch sử của đất nước.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Thành phố Đà Lạt vinh dự là nơi bảo quản khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, tư liệu thế giới một loại hình tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm trong kho tàng lịch sử, văn hóa Việt Nam, được UNESCO ghi danh vào Chương trình Ký ức thế giới vào ngày 31/7/2009. Khối tài liệu gồm 33.971 tấm, là nguồn tư liệu tin cậy, còn khá nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị khối mộc bản này, bên cạnh các hình thức truyền thống, Trung tâm đã từng bước đổi mới và mở rộng hình thức quảng bá, giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước thông qua việc ứng dụng công nghệ số. |
Bảo Thoa