Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

02/03/2024 - 00:43
(Bankviet.com) Theo đại diện JPO, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nâng cao quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế Nhận diện hàng Nhật chính hãng ở triển lãm hàng giả, hàng thật Việt Nam - Nhật Bản hợp tác chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Trả lời phỏng vấn Báo Công Thương, bà Kaori Hirota - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trưởng bộ phận Điều tra chống hàng giả, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản cho biết, quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phóng viên (PV): Công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có tầm quan trọng như thế nào trong thúc đẩy phát triển kinh tế hiện nay, thưa bà?

Bà Hirota Kaori: Quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bà Kaori Hirota - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trưởng bộ phận Điều tra chống hàng giả, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản

Nếu không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì trên thị trường sẽ tràn lan những sản phẩm giả, kém chất lượng. Ảnh hưởng nghiêm trọng về cả uy tín và doanh thu cho các chủ thể đang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng có chất lượng, có sự đầu tư trí tuệ vào sản phẩm.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất kinh doanh, đóng góp vào việc bảo vệ kỹ thuật, hình ảnh thương hiệu của công ty; nâng cao lòng tin của người mua, đối tác.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PV: Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai các biện pháp nào để chống hàng giả, ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm Nhật Bản trên thị trường Việt Nam?

Bà Hirota Kaori: Chúng tôi đang vận động cơ quan chức năng thông qua các buổi hội thảo dành cho cơ quan thực thi như hội thảo phân biệt hàng thật - hàng giả, trao đổi ý kiến tại Diễn đàn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ quốc tế (IIPPF), đây là tổ chức do các doanh nghiệp Nhật và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thành lập và tham gia.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tổng cục Quản lý thị trường làm việc với Cơ quan sáng chế Nhật Bản về các nội dung liên quan đến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu của Nhật Bản tại Việt Nam

Ngoài ra, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng tiến hành kết hợp nhiều biện pháp như đề nghị cơ quan thực thi có liên quan tiến hành xử phạt hành chính, xử lý hình sự, khởi tố dân sự đối với bên đương sự.

Những năm gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái bán online có xu hướng tăng nên còn có biện pháp là chủ thể quyền gửi yêu cầu xóa tin bài đã đăng trên sàn thương mại điện tử. Các doanh nghiệp, đoàn thể cùng liên kết để giải quyết vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài dưới hình thức hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu,...

PV: Thời gian qua, việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được thực hiện như thế nào?

Bà Hirota Kaori: Năm 2021, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản và Tổng cục Quản lý thị trường Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

Trong khuôn khổ hợp tác này, hai cơ quan đã và đang tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm; phối hợp, hỗ trợ các khóa học, tập huấn đào tạo chuyên môn phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Giám đốc Công ty ASICS trao tặng cẩm nang hướng dẫn phân biệt thật - giả cho Tổng Cục Quản lý thị trường trong khuôn khổ Hội thảo “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản”

Năm nay, IIPPF sẽ mời một số cán bộ Hải quan Việt Nam sang Nhật Bản. Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với nhiều cơ quan thực thi như Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức các buổi hội thảo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phân biệt hàng thật - hàng giả.

Cùng với đó, tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao giữa Cơ quan chính phủ liên quan đến Sở hữu trí tuệ Việt Nam và chính phủ Nhật Bản cũng như các cuộc họp ở cấp thực thi.

PV: Vừa qua, tổ chức JPO và JETRO đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thành công Hội thảo Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản. Bà đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Bà Hirota Kaori: Đây là sự kiện có sự tham dự của hơn 100 cán bộ từ các cơ quan quản lý và thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chủ chốt của Việt Nam.

Chúng tôi vô cùng biết ơn bởi sự quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về tình hình thị trường, đồng thời, có cơ hội lắng nghe ý kiến các bên liên quan. JPO, JETRO, cũng như các doanh nghiệp đều kỳ vọng tìm được giải pháp thúc đẩy một cách phù hợp, chính đáng về quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp. Từ đó hỗ trợ 200 doanh nghiệp cũng như hơn 90 tổ chức đang hoạt động trên thị trường Việt Nam.

Thông qua hội thảo, chúng tôi kỳ vọng rằng các cơ quan hữu quan sẽ bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ không chỉ của doanh nghiệp Nhật mà cả của doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Phong Vân

Theo: Báo Công Thương