Ngày 7/9, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre cho biết, Cục đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Ngô Kim Ngân (tại phường Phú Tân, TP. Bến Tre) hơn 62 triệu đồng vì buôn bán sản phẩm dệt may, mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó vào ngày 6/8, Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre) phát hiện hộ kinh doanh Ngô Kim Ngân buôn bán các sản phẩm dệt may, mỹ phẩm trên nền tảng thương mại điện tử (trên TikTok Shop) có dấu hiệu vi phạm.
Đội Quản lý thị trường số 1 chủ trì cùng các ngành liên quan kiểm tra thực tế tại hộ kinh doanh Ngô Kim Ngân (ảnh: QLTT Bến Tre) |
Đội Quản lý thị trường số 1 đã chủ trì phối hợp Công an TP. Bến Tre, Phòng Kinh tế TP. Bến Tre tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Ngô Kim Ngân. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra lập biên bản, tạm giữ trên 1.000 sản phẩm dệt may, mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan, có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.
Sau khi xác minh, làm việc và hoàn thiện hồ sơ, Quản lý thị trường số 1 đã trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Ngô Kim Ngân. Đồng thời, tiêu huỷ và tịch thu hơn 1.000 đơn vị sản phẩm, có trị giá hơn 168 triệu đồng.
Cũng liên quan đến vi phạm trong kinh doanh buôn bán mỹ phẩm trên nền tảng xã hội, ngày 16/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre) ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre số tiền 17 triệu đồng. Hộ kinh doanh này đã có hành vi kinh doanh mỹ phẩm là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra phát hiện tại cơ sở nay đang kinh doanh các loại mỹ phẩm gồm: 400 hộp có nhãn hàng hóa ghi: Tẩy hồng Nano, Kem body vip, nâng tone – dưỡng trắng – chống nắng; 200 hộp có nhãn hàng hóa ghi: Cấy trắng ARBUTIN X10 Kem body dưỡng ban ngày trắng sau 7-10 ngày sử dụng; 200 hộp có nhãn hàng hóa ghi: Body tẩy trắng Kem body dưỡng đêm trắng sau 7-10 ngày sử dụng; 100 hộp có nhãn hàng hóa ghi: Cà phê ủ trắng, Càng ủ càng trắng, công dụng, thành phần, hướng dẫn sử dụng.
Số hàng hoá mỹ phẩm mà chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn (ảnh: QLTT Bến Tre) |
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn mua bán hàng hóa, không có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, trên bao bì không ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa của 4 loại sản phẩm nêu trên. Đơn vị đã tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm vi phạm với tổng trị giá 22,5 triệu đồng.
Nhằm tiếp tục thực hiện Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 và chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre xác định thương mại điện tử là lĩnh vực trọng tâm, xuyên suốt trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quyền, lợi ích hợp pháp của các thương nhân kinh doanh chân chính trên địa bàn quản lý.