Bidiphar (DBD) sắp chào bán hàng chục triệu cổ phiếu với giá tối thiểu cao hơn 11% trên sàn

01/10/2024 - 10:17
(Bankviet.com) Dược Bình Định (Bidiphar) chuẩn bị phát hành 23,3 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 50.000 đồng/cp, nhằm thu hút vốn đầu tư cho hai dự án nhà máy mới và đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược.

Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD) vừa tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư để cập nhật kết quả kinh doanh và tiến độ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, trong quý 3/2024, Bidiphar đạt doanh thu 452 tỷ đồng, lợi nhuận 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Bidiphar đạt 1.269 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và hoàn thành 63% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 246 tỷ đồng, hoàn thành 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Các dòng sản phẩm chính của công ty gồm thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và thuốc thẩm phân máu, chiếm lần lượt 28%, 20%, và 12% cơ cấu doanh thu.

 Chỉ số tài chính
Chỉ số tài chính

Doanh thu từ kênh ETC (thuốc kê đơn) đạt 803 tỷ đồng, tăng 8,6%, chiếm 66% cơ cấu doanh thu thuốc tự sản xuất. Bidiphar là doanh nghiệp dược phẩm nội địa duy nhất tham gia đấu thầu thuốc điều trị ung thư, xếp thứ 6 về giá trị sau các công ty nước ngoài nhưng dẫn đầu về sản lượng.

Doanh thu từ kênh OTC (thuốc không kê đơn) đạt 420 tỷ đồng, tăng 1,7%, chiếm 34% tổng doanh thu. Hiện thuốc qua kênh OTC của Bidiphar đang được phân phối cho hơn 20.000 nhà thuốc, trong đó 11.000 khách hàng giao dịch thường xuyên.

Bidiphar hiện đang quản lý và vận hành hai nhà máy sản xuất thuốc với 15 dây chuyền sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong giai đoạn 2024-2029, Bidiphar dự kiến đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy mới, đáp ứng các tiêu chuẩn EU-GMP và WHO-GMP.

Cụ thể, nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ sẽ được xây dựng với vốn đầu tư 840 tỷ đồng và công suất thiết kế đạt 120 triệu sản phẩm mỗi năm. Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam sẽ có vốn đầu tư 850 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,3 tỷ sản phẩm/năm. Đây là hai dự án quan trọng trong chiến lược mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm của Bidiphar, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Bidiphar (DBD) sắp chào bán hàng chục triệu cổ phiếu với giá tối thiểu cao hơn 11% trên sàn

Tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ

Theo đánh giá của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Bidiphar có nhiều tiềm năng như (1) Dẫn đầu trong các doanh nghiệp dược phẩm nội địa có khả năng sản xuất các sản phẩm có độ phức tạp cao như thuốc điều trị ung thư, thuốc thẩm phân máu; (2) Dư địa tăng trưởng thuốc tự sản xuất còn rất nhiều với sự mở rộng thêm 2 nhà máy mới; (3) Đang trong tiến trình nâng cấp tiêu chuẩn EU-GMP cho nhà máy thuốc điều trị ung thư; (4) Hưởng lợi từ chính sách ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong cơ cấu đấu thầu thuốc kênh bệnh viện của Bộ Y tế qua Thông tư 03 & 07; (5) Có tiềm năng lớn từ thương vụ M&A.

Một điểm đáng chú ý trong chiến lược phát triển của Bidiphar là công ty dự kiến chào bán 23,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, so với mức giá chốt phiên cuối cùng của tháng 9 ở mức 45.000 đồng/cp, giá chào bán của Bidiphar đang cao hơn 11%. Dự kiến đợt phát hành này sẽ diễn ra trong năm 2024-2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho hai dự án nhà máy mới tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định theo thứ tự ưu tiên Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ (tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng) và Nhà máy OSD Non – Betalactam.

Bidiphar hiện đang đàm phán với 4 nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả trong và ngoài nước. Tiêu chí lựa chọn đối tác của công ty là những nhà đầu tư có thể mang lại giá trị mới, đồng thời có khả năng chuyển giao công nghệ và đồng hành lâu dài cùng công ty. Tuy nhiên, Bidiphar đang đối mặt với một số khó khăn trong thương vụ này do các sản phẩm chính của công ty như thuốc điều trị ung thư và dung dịch lọc máu có đặc thù riêng, khác biệt so với thị trường dược phẩm chung.

Giá chào bán 50.000 đồng/cổ phiếu – Cơ sở và lý do

Tại ĐHĐCĐ 2024 của Bidiphar, ông Trương Thanh Liêm - Thành viên Hội đồng Quản trị Bidiphar cho biết, Công ty vẫn đang tiếp tục triển khai các bước để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Hiện tại, Bidiphar đang làm việc với cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế để đảm bảo lựa chọn được đối tác phù hợp, với ưu tiên là các công ty dược có kinh nghiệm trong ngành và cam kết đồng hành lâu dài cùng công ty.

Ông Liêm cho biết thêm, quá trình đàm phán với nhà đầu tư chiến lược đang được thực hiện theo các bước cụ thể bao gồm gặp gỡ nhà đầu tư, ký kết bảo mật, chào bán, thẩm định và tiến hành đàm phán trước khi chốt thương vụ cuối cùng. Do các biện pháp bảo mật, ông Liêm không thể tiết lộ chi tiết về tiến độ.

Trả lời câu hỏi về việc giá chào bán cổ phiếu 50.000 đồng/cp cao hơn 13% so với thị giá ngày 26/9 (44.100 đồng/cp), ông Liêm cho biết, mức giá này được thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông năm 2024 và dựa trên các chỉ số tài chính và lịch sử các thương vụ của các công ty dược lớn đã cổ phần hóa. Cụ thể, theo ông Liêm, giá chào bán dựa trên các chỉ số tài chính như PE (hệ số giá trên lợi nhuận) khoảng 26-27 lần, EV/EBITDA khoảng 19,6 lần, và P/B (giá trên giá trị sổ sách) khoảng 3,5 lần. Đây là những cơ sở giúp Bidiphar xác định giá chào bán hợp lý trong bối cảnh thị trường và kỳ vọng từ nhà đầu tư.

Bidiphar: Doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong sản xuất thuốc điều trị ung thư

Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ngành dược phẩm Việt Nam với nhiều thành tựu nổi bật. Năm 1992, công ty trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh dạng tiêm. Dung dịch tiêm truyền kháng sinh, vitamin và axit amin vào năm 1997. Năm 2003, Bidiphar tiên phong ứng dụng công nghệ bào chế thuốc tiêm đông khô, và đến năm 2008, công ty đã phát triển thành công thuốc điều trị bệnh ung thư.

Sau hơn 10 năm phát triển, Bidiphar đã cung ứng ra thị trường hơn 5 triệu đơn vị sản phẩm thuốc điều trị ung thư, dẫn đầu thị phần sản phẩm này tại Việt Nam. Các sản phẩm của công ty hiện được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, và nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Mức giá các sản phẩm của Bidiphar thấp hơn thuốc châu Âu trung bình 40% và thấp hơn 20% so với các sản phẩm từ châu Á.

Bidiphar hoạt động dưới sự lãnh đạo của ông Tạ Nam Bình - Chủ tịch HĐQT, và bà Phạm Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc. Ông Bình, sinh năm 1975, có trình độ Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và đã đảm nhận vị trí Chủ tịch từ năm 2024. Trước đó, ông từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các công ty lớn. Bà Phạm Thị Thanh Hương, sinh năm 1965, Thạc sĩ Dược, đã tham gia Bidiphar từ năm 2012 và giữ chức Tổng Giám đốc từ năm 2019.

Về sở hữu cổ phần, bà Hương nắm giữ 606.592 cổ phiếu (0,65%), trong khi vợ ông Bình, bà Nguyễn Thị Minh Thư, sở hữu 926.250 cổ phiếu (0,99%). Ông Bình không nắm giữ cổ phiếu DBD.

Bidiphar (DBD) chốt tiến độ nhà máy thuốc vô trùng 840 tỷ, cổ phiếu nhảy vụt lên đỉnh

Theo Bidiphar, dự án nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình ...

Bidiphar đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng trong năm 2024

Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định đặt mục tiêu tổng doanh thu chạm mốc 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên, ...

Trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ Dược Bình Định áp sát ngưỡng 1.000 tỷ đồng

Sau 2 lần trả cổ tức bằng cổ phiếu vào các năm 2020, 2021, Dược Bình Định vừa chốt kế hoạch triển khai phương án ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán