Tính đến mô hình sàn giao dịch vàng để ngăn vàng hóa nền kinh tế ''Mùa xuân...'' của giá vàng, thị trường vàng trong nước ''... đã cạn ngày'' |
Diễn biến lạ trên thị trường vàng
Trong phiên giao dịch 12/7, giá vàng nhẫn đã tăng vọt và vượt giá vàng SJC, lên sát mức 77,2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng miếng SJC tiếp tục đi ngang ở mức 76,98 triệu đồng/lượng hơn một tháng qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá bán can thiệp cho SJC và 4 ngân hàng quốc doanh ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng nhẫn lần đầu tiên vượt vàng miếng SJC.
Giá vàng nhẫn tăng liên tục, hiện cao hơn giá vàng miếng SJC. |
Ngày 14/7, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào ở mức 75,48 triệu đồng/lượng, bán ra tại 76,98 triệu đồng/lượng, ổn định trong nhiều ngày qua. Các ngân hàng thương mại ngừng giao dịch trong ngày cuối tuần.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được Công ty PNJ, SJC niêm yết mua vào ở mức 75,15 triệu đồng/lượng, bán ra với giá 76,65 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giao dịch vàng nhẫn trơn lên mức 75,68 triệu đồng mua vào, 76,98 triệu đồng bán ra.
Diễn biến này cũng được một số chuyên gia dự báo trước đó. Nhu cầu vàng vẫn có, trong khi việc mua vàng miếng SJC không dễ được đáp ứng, thì vàng nhẫn được xem là một lựa chọn.
Thị trường vàng miếng đứng yên kể từ ngày 5/6 đến nay. Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, song lượng vàng bán tới tay người dân rất giới hạn. Không mua được vàng miếng SJC, người dân chuyển sang mua vàng nhẫn.
Từ chỗ thấp hơn vàng miếng 7 - 8 triệu đồng, giá vàng nhẫn đã chính thức tăng lên ngưỡng cao hơn giá vàng miếng SJC, một số chuyên gia không khỏi băn khoăn về điều này.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính – nhận định, giá vàng trong nước kéo xuống sát với giá thế giới và cách giá thế giới khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng là phù hợp, tuy nhiên, nguồn cung phải đẩy ra. Người dân có nhu cầu vàng và phải thỏa mãn nhu cầu đó, tuy nhiên, hiện tại, nguồn cung còn tương đối hạn chế.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi vàng nhẫn tăng đến mức có thể tác động đến nền kinh tế, nó sẽ khơi mào cho hiện tượng vàng hoá nền kinh tế. Đồng thời cho rằng, thời gian tới, nếu giá vàng SJC vẫn "đứng yên", giá vàng nhẫn tiếp tục tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới, thậm chí giá tăng chóng mặt như từng xảy ra với vàng miếng SJC trước đây, người dân đổ xô đi mua vàng nhẫn, có thể vàng nhẫn sẽ được đưa vào diện kiểm soát, bình ổn giá như vàng miếng SJC.
Bình ổn thị trường vàng: Bịt cho này phình chỗ khác
Ngày 27/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng 20%. Mục tiêu của đấu thầu vàng không đạt.
Do đó, từ ngày 03/6/2024 Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương thức bình ổn định thị trường vàng bằng cách bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC bán ra thị trường theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định, các ngân hàng không kiếm lời trong nghiệp vụ ủy thác này.
Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn ra thị trường thông qua Công ty SJC và 04 ngân hàng quốc doanh từ ngày 03/06/2024 đến nay đã kéo chênh lệch giữa vàng miếng SJC và thế giới xuống khoảng còn 4 - 5 triệu đồng/lượng, từ mức gần 20 triệu đồng/lượng thời gian trước.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, lượng vàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của nước ta chỉ khoảng 30 – 40 tấn/năm, tương đương khoảng 3 - 4 tỷ USD, là một khối lượng rất nhỏ so với kim ngạch nhập khẩu hiện tại của Việt Nam khoảng 200 tỷ USD và so với dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước là 100 tỷ.
Qua con số đó cho thấy Ngân hàng Nhà nước có thể làm chủ nguồn cung. Các ngân hàng thương mại nhà nước đại diện cho lợi ích của Nhà nước nên sẵn sàng chấp thuận bán vàng phi lợi nhuận. Do đó, qua các phiên bán, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cho đến nay đã được thu hẹp khoảng còn gần 5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là làm giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, còn một số vấn đề cần được xem xét. PGS. TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế - nhận định, giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng. Vì người dân mua số lượng nhiều cũng không dễ dàng do các đơn vị bình ổn vàng bán với số lượng hạn chế, mỗi lần chỉ được mua 01 lượng.
Dự báo giá vàng thế giới có xu hướng sẽ còn tăng. Trên thị trường vàng trong nước còn tồn tại 2 giá. Theo đó, giá vàng ở “chợ đen” cao hơn giá của các đơn vị bình ổn bán đến khoảng 3 - 4 triệu đồng/lượng. Vì vậy đã không tránh khỏi tình trạng "cò" vàng và nhiều người xếp hàng mua vàng giá bình ổn để bán ra ngoài thị trường, hưởng chênh lệnh. Điều này gây bất ổn khi xuất hiện hiện tượng xếp hàng mua gom để hưởng chênh lệch.
Các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn bằng kênh đầu tư vàng. Nếu sử dụng biện pháp này lâu dài sẽ dẫn đến người dân đổ xô vào mua vàng, tiền đâu tư của người dân không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nằm chết trong vàng.
Điều này sẽ khó chống được vàng hóa. Nếu chúng ta muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét đến những phương án khác hiệu quả hơn.
Theo kinh nghiệm của một số nước như Mỹ và châu Âu ở thời điểm giá vàng căng thẳng thì người dân không được giữ vàng vật chất mà chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở ngân hàng Trung ương. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng. Tuy nhiên, đây là một phương án Việt Nam cần xem xét nhưng phải có lộ trình cho phương án này.
Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Do vậy, cần cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.
Hiện có quan điểm cần đánh thuế giao dịch vàng, không chỉ giảm nhu cầu về vàng của người dân và các nhà đầu tư, ngăn chặn đầu cơ và thao túng giá vàng mà còn tạo điều kiện cho ngân sách Nhà nước có thêm nguồn thu, mà còn là sự công bằng giữa các kênh đầu tư vàng - chứng khoán - bất động sản, là phương sách để chống "vàng hóa" nền kinh tế.
Không đồng tình với quan điểm đánh thuế giao dịch vàng, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng việc đánh thuế giao dịch vàng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho người mua vàng, tăng thêm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới, người dân sẽ hạn chế bán vàng. Điều này sẽ làm cho vàng nằm im trong dân không chuyển nguồn vàng thành nguồn lực tài chính phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đồng thời hạn chế nguồn cung vàng trong nền kinh tế. Do vậy, đề xuất đánh thuế giao dịch vàng cần cân nhắc thận trọng.