Bộ Công Thương chủ động, nhanh chóng công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược

02/04/2025 - 04:01
(Bankviet.com) Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược.
Việt Nam - Brazil: Bắt tay mở 'đại lộ' thương mại xuyên lục địa Tổng Bí thư: Việt Nam nhất quán coi Hoa Kỳ là đối tác chiến lược hàng đầu Việt Nam - Tunisia: Thúc đẩy hợp tác thương mại, mở rộng cơ hội song phương

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khẩn trương ban hành nghị định là hết sức cần thiết

Thực hiện Quyết định số 916/QĐ-BCT ngày 1/4/2025 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về kiểm soát thương mại chiến lược của Việt Nam, ngay trong chiều ngày 1/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược.

Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Bộ Công Thương chủ động, nhanh chóng công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết. Ảnh: Cấn Dũng

Trong thời gian qua, xu hướng dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Để bảo đảm các hoạt động chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các đối tác thương mại lớn đã đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược nhằm nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu.

Trách nhiệm của quốc gia có quy mô thương mại lớn

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thương mại chiến lược vừa là nghĩa vụ của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế, cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ an ninh, hòa bình quốc tế. Việt Nam với vị thế là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất và có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và có danh mục mặt hàng xuất nhập khẩu đa dạng, càng được quan tâm đề nghị xây dựng khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược, đưa vào các chương trình phối hợp song phương.

Bộ Công Thương chủ động, nhanh chóng công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược
Thông tin tại cuộc họp cho biết, Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn. Ảnh: Cấn Dũng

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, thí dụ như Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu EU. Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.

Công bố dự thảo nghị định để lấy ý kiến ngay sau phiên họp

Đây cũng là một trong các nội dung mà Bộ trưởng Bộ Công Thương - Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác làm việc tại Hoa Kỳ tháng 3 năm 2025 đã trao đổi với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và các Bộ, ngành liên quan của Hoa Kỳ. Đây là tuyên bố của Việt Nam được hiện thực hoá bằng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể cấp Chính phủ, thể hiện quyết tâm, mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ một cách bền vững.

Cũng tại cuộc họp Ban soạn thảo, các thành viên Ban soạn thảo đã thống nhất với sự cần thiết ban hành, phạm vi và đối tượng điều chỉnh, cũng như một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thường trực Tổ biên tập khẩn trương tiếp thu góp ý, hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Ngày 1/4/2025, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi.

Tại cuộc làm việc giữa Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer với Đặc phái viên Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về hợp tác kinh tế, thương mại song phương ngày 13/3/2025, tại Washington, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, đôi bên cùng có lợi với Hoa Kỳ. Cùng với đó, Việt Nam không có ý định tạo ra bất cứ cản trở nào có thể gây phương hại đến người lao động hay an ninh kinh tế, an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Chính phủ Việt Nam đang chủ động triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ một cách toàn diện, bền vững.

Tại cuộc gặp, đại diện hai nước cùng quan điểm cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ cần phối hợp chặt để tạo môi trường kinh doanh công bằng, bền vững. Theo đó, hai nước cùng chủ động rà soát, xem xét loại bỏ các rào cản thương mại, gây cản trở cho đầu tư kinh doanh. Đồng thời, hai bên cần xây dựng cơ chế kiểm soát các hoạt động gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 10/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch hành động về cân bằng thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn.

Cùng với đó, theo truyền thông quốc tế ghi nhận, Việt Nam đã lên kế hoạch giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), ô tô và ethanol. Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ nhất là các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ như bông, đậu nành và hạt cây…Chính phủ Việt Nam đã cho phép SpaceX thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam…

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương nhìn nhận, đây là “bước đi” đầy thiện chí, nhanh nhạy, trách nhiệm, thiết thực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề cân bằng thương mại với Hoa Kỳ.

Theo ông Phương, Hoa Kỳ đang thực hiện nhiều giải pháp để cân bằng cán cân thương mại với đối tác, trong đó có việc áp/nâng thuế nhập khẩu hàng hóa với một số quốc gia xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ. Tránh nguy cơ đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác thương mại với đối tác Hoa Kỳ. Đến thời điểm này, gần như chưa có quốc gia nào có hành động nhanh, mạnh mẽ như Việt Nam trong vấn đề này.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam chủ động thực hiện giải pháp cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, doanh nghiệp hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế quan trọng trị giá hàng tỷ USD, gia tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ...

Bình luận về động thái này, chia sẻ với báo giới mới đây, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam đang có cách tiếp cận rất phù hợp và hiệu quả để cân bằng cán cân thương mại với đối tác lớn, trong đó có Hoa Kỳ.

Đó là việc tăng cường đối thoại chính sách, đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa thiết bị, dịch vụ từ Hoa Kỳ, đồng thời quan tâm, giải quyết nhiều vấn đề khác của doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ. Thời gian qua, Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại với nhiều đối tác lớn khác như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương