Diễn tập phòng chống khủng bố Nhà máy thủy điện Sơn La Diễn tập phòng chống khủng bố tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết: Trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, một số lĩnh vực như điện lực, với các công trình thủy điện lớn, quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; các công trình khai thác dầu khí... là những lĩnh vực có nguy cơ bị khủng bố cao.
Toàn cảnh hội nghị triển khai công tác phòng chống khủng bố Bộ Công Thương năm 2023 |
Do đó, công tác phòng chống khủng bố trong ngành Công Thương luôn được Bộ Công Thương quan tâm và thực hiện nghiêm theo túc quy định, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn tính mạng và tài sản trong ngành Công Thương, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu tại hội nghị |
Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố từ năm 2016 và hàng năm được Bộ trưởng kiện toàn với nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công Thương triển khai các nhiệm vụ về phòng chống khủng bố. Năm 2022 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã ban hành một số quyết định rất cụ thể để các đơn vị triển khai công tác phòng chống khủng bố tập trung vào các nội dung như: i) Đánh giá tình hình nguy cơ khủng bố liên quan địa bàn, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; ii) Bố trí lực lượng tham gia phòng chống khủng bố; iii) Tổ chức rà soát, xác định mục tiêu, địa bàn trọng điểm về phòng chống khủng bố và xây dựng phương án phòng chống khủng bố; iv) Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống khủng bố đến cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức. Tuy nhiên, công tác triển khai của các đơn vị còn hạn chế và lúng túng nên kết quả triển khai chưa thực sự nổi bật.
Với chức năng quản lý nhà nước được giao trải dài trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực như trên, nguy cơ khủng bố tiềm ẩn ở Bộ Công Thương là rất lớn, các mục tiêu, địa bàn trọng điểm về phòng chống khủng bố có thể kể đến như: Công trình thủy điện, hệ thống truyền tải điện quốc gia trọng điểm quốc gia; công trình dầu khí trên biển (giàn khoan trên biển, tàu chứa dầu), công trình dầu khí trên đất liền (công trình dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ, nhà máy chế biến lọc hóa dầu, công trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) và các mỏ khai thác than hầm lò và lộ thiên… đều là những công trình trọng điểm, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đến sự phát triển kinh tế - xã hội nếu để xảy ra các nguy cơ khủng bố.
Xác định các nguy cơ tiềm ẩn trên, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí, sự cố sập đổ hầm lò khai thác khoáng sản, ứng phó sự cố hóa chất độc; hướng dẫn các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất độc theo quy định, trình Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phê duyệt: Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí cấp quốc gia; Kế hoạch ứng phó tình huống cơ bản cấp Quốc gia sự cố sập đổ hầm lò khai thác khoáng sản của Bộ Công Thương.
Hội nghị là cơ hội để Bộ Công Thương lắng nghe những ý kiến đóng góp đến từ Cục An ninh nội địa, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống khủng bố và các đơn vị liên quan góp ý, trao đổi và hướng dẫn cụ thể để giúp các đơn vị trong ngành công thương nâng cao nhận thức và kỹ năng triển khai tốt hơn nhiệm vụ phòng chống khủng bố trong thời gian tới.
Đây cũng là hoạt động quan trọng và thiết thực giúp các thành viên Ban Chỉ đạo và các đơn vị trong ngành Công Thương nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ngành Công Thương trong công tác phòng chống khủng bố chung của quốc gia, qua đó có biện pháp, kế hoạch cụ thể để triển khai tốt các nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống khủng bố và Bộ Công Thương giao trong kế hoạch công tác năm 2023 và giai đoạn 2023 – 2026.
Nguyễn Duyên