Nhà đầu tư cần bình tĩnh trước rủi ro và cơ hội trên thị trường chứng khoán | |
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cơ cấu lại nợ công, Việt Nam tiết kiệm được khoảng 57.000 tỷ đồng | |
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đầu mối, tránh đầu cơ găm hàng |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua, kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4% và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Bộ Tài chính dự báo CPI năm 2022 tăng trong khoảng 3,27-3,51% |
Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, giá xăng dầu vẫn biến động phức tạp, khó dự đoán. Trong khi đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo.
Bên cạnh đó, nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự phục hồi trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm có thể làm tăng nhu cầu các mặt hàng vật tư xây dựng, có thể tác động đến giá cả nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời…
Theo đó, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27-3,51%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2%-3,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,4% (dao động khoảng 0,2%).
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là diễn biến giá xăng dầu rất khó lường.
Ở trong nước, tới cuối năm nay một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng rất cao; nhu cầu hàng tiêu dùng dịp tết nhất là lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh trong những tháng cuối năm; tác động của thiên tai, dịch bệnh… sẽ tác động tới công tác điều hành giá.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát kinh tế và lạm phát thế giới, có các biện pháp điều hành giá. Về chính sách tiền tệ cần phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá phù hợp,…
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để chủ động thực hiện các biện pháp điều hành giá phù hợp, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: Xăng dầu, năng lượng, lương thực thực phẩm, dịch vụ vận tải,…Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.
Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (dịch vụ y tế, giáo dục, điện), Phó Thủ tướng giao các bộ ngành chủ động các phương án để triển khai điều chỉnh vào thời điểm thích hợp…
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.
Hồng Giang