Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 90 nhiệm vụ của cấp huyện sẽ giao xuống cấp xã

08/05/2025 - 01:39
(Bankviet.com) Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 90 trong 99 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Chính quyền địa phương 2 cấp: Đổi mới từ gốc, phục vụ tận nơi Đại biểu Quốc hội lắng nghe, góp ý sửa đổi Luật Việc làm Đại biểu Quốc hội đánh giá cao các quy định mới về Mặt trận Tổ quốc

Đưa quyền về cơ sở, giảm tầng nấc quản lý

Thảo luận tại tổ chiều 7/5 về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Việc chuyển đổi từ chính quyền địa phương 3 cấp xuống 2 cấp là một bước cải cách căn bản, toàn diện, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị và phục vụ người dân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 90 nhiệm vụ của cấp huyện sẽ giao xuống cấp xã
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Theo đó, chính quyền địa phương sẽ chỉ còn hai cấp: cấp tỉnh (tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường và đơn vị đặc khu). Mô hình cấp huyện sẽ không còn giữ vai trò là một cấp chính quyền địa phương độc lập như hiện nay.

“Có tới 90 trong số 99 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành sẽ được chuyển xuống cấp xã mới. Chỉ còn 9 nhiệm vụ sẽ do cấp tỉnh đảm trách. Việc phân định là rất rạch ròi”, bà Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc trao quyền cho cấp xã không chỉ là tinh giản đầu mối mà còn thể hiện tư duy cải cách mạnh mẽ, đưa chính quyền tới gần dân hơn. “Gần dân, sát dân và phục vụ dân” chính là triết lý xuyên suốt của mô hình mới.

Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ đồng thời phân định lại rõ ràng chức năng, thẩm quyền của từng cấp, kèm theo đó là phân loại cấp xã theo đặc thù: xã nông thôn, phường đô thị, đặc khu kinh tế, quốc phòng.

Đặc biệt, các đơn vị đặc khu sẽ không chỉ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của cấp xã, mà còn được trao thêm các quyền hạn riêng, kèm theo chính sách và cơ chế đặc thù do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Đây được xem là hướng đi chiến lược, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa củng cố thế trận quốc phòng - an ninh.

Sửa luật đồng bộ, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý

Hiện nay có tới 170 trong số 186 luật chuyên ngành vẫn đang quy định chức năng cho HĐND cấp huyện, nếu bỏ cấp huyện, sẽ phát sinh khoảng trống lớn. Để khắc phục, Chính phủ được Quốc hội ủy quyền lập pháp, ban hành ngay 25 nghị định hướng dẫn phân quyền và phân cấp để triển khai mô hình chính quyền 2 cấp.

“Đây là phương án linh hoạt, vừa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, vừa xử lý kịp thời những vướng mắc trong quá trình chuyển giao”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, bà Trà cũng lưu ý, sau 2 năm thực hiện, toàn bộ các luật liên quan sẽ phải được sửa đổi để đồng bộ và đảm bảo hiệu lực lâu dài. Việc ủy quyền lập pháp trong giai đoạn chuyển tiếp không chỉ là quyết sách mạnh mẽ mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế, đã được nhiều nước áp dụng để đột phá trong cải cách thể chế.

Theo Tờ trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo mô hình 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Đây là giải pháp căn cơ nhằm tinh giản bộ máy, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị, tạo nên nền hành chính phục vụ gần dân hơn.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 42 điều, giữ nguyên 4 điều, bỏ 4 điều, bổ sung mới 8 điều. So với Luật hiện hành, đây là bước chỉnh lý sâu rộng, nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan được sửa đổi trong kỳ họp này.

Chính phủ đề xuất mạnh mẽ về việc phân định thẩm quyền giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp xã, trong đó cấp xã sẽ đảm nhận cả phần việc của cấp huyện sau sắp xếp. Đây là sự chuyển dịch trọng tâm quản lý hành chính, đặt cấp xã ở vị trí trung tâm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, lần đầu tiên, cấp xã được trao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thẩm quyền.

Hoàng Nhưỡng

Theo: Báo Công Thương