Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Quốc hội về dự án Luật Phòng không nhân dân

20/06/2024 - 04:20
(Bankviet.com) Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Bộ Quốc phòng: Tổ chức Giao lưu điển hình tiêu biểu “Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” Bộ Quốc phòng: Tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Bộ Quốc phòng: Hơn 77,18% giáo viên có trình độ sau đại học

Theo đó, chiều 19/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ bảy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Quốc hội về dự án Luật Phòng không nhân dân
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân

Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định: Phòng không nhân dân là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Thế trận phòng không nhân dân là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ.

Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, hoạt động tác chiến phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta; ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường. Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng lực lượng phòng không nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.

Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng; nhất là trong giai đoạn hiện nay, tàu bay không người lái đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới, mang lại hiệu quả chiến đấu cao. Ở trong nước, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không”, Bộ trưởng Phan Văn Giang chỉ rõ.

Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân được xây dựng gồm 8 chương với 54 điều, gồm các quy định về: Nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân.

Đặc biệt, dự thảo luật dành riêng một chương quy định về việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Quản lý, bảo vệ trận địa, công trình phòng không; quản lý chướng ngại vật phòng không; trách nhiệm của địa phương, tổ chức, cá nhân đối với bảo đảm an toàn phòng không; tiêu chí bảo đảm an toàn phòng không.

Đức Lâm

Theo: Báo Công Thương