Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng hàng giả, kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật.
Quảng cáo sai sự thật, Bộ ngành quản lý ở thế giới thực phải chịu trách nhiệm
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp xử lý việc quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian qua, có tình trạng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube hoặc các website có máy chủ ở nước ngoài quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định, nội dung quảng cáo không đúng.
Thực tế, quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của VTV, Bộ Y tế và các bệnh viện; đưa ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng để quảng cáo thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ít thông tin.
Đại biểu Tao Văn Giót đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 75 năm 2022, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, liên quan đến vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, thì cơ bản những quảng cáo này thực hiện trên các mạng xã hội và đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới. Do vậy, cơ quan chức năng đã có cơ chế làm việc với các mạng xã hội này để tiến hành tháo gỡ các thông tin sai sự thật, quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu độc. Vấn đề này đã được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật, bao gồm trách nhiệm của mạng xã hội và thời gian tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, việc thực thi các yêu cầu quản lý Nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên các mạng xã hội, trong đó có cả các mạng xã hội, được triển khai rất nghiêm.
“Vấn đề là phải phát hiện và báo cáo để tháo gỡ. Hiện nay, Bộ, ngành, địa phương nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn, sẽ có sự hỗ trợ của hai bộ nòng cốt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an. Nhưng nhiệm vụ chính vẫn phải là các bộ chuyên ngành. Nói về thuốc, thực phẩm chức năng, cái nào đúng, cái nào sai, quảng cáo đúng hay sai thì thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện nay các bộ, ngành, các địa phương lên không gian mạng chưa nhiều và cứ nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Công an: “Tôi cho rằng, cần thay đổi nhận thức này. Tôi rất mong muốn, chúng ta xác định trách nhiệm của Bộ, ngành, của địa phương mình trong thế giới thực như thế nào thì làm điều đó ở trên không gian mạng như vậy. Trong quá trình tháo gỡ thông thông tin xấu độc, sai sự thật gặp khó khăn gì thì gửi công văn đến Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”.
Bộ Công Thương sẽ quản lý toàn diện để giảm vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Lê Đoàn An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, nhất là qua các kênh bán hàng online. Nhiều vụ việc được người dân phát hiện do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay nhưng không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.
Từ thực tế đó, đại biểu Lê Đoàn An Xuân đặt câu hỏi, đến bao giờ Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý những vi phạm thông qua bán hàng trực tuyến, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh, báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch trên mạng; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này.
Minh Đức