Bộ tứ trụ cột - nhìn từ bức thư của Bác Hồ đến lời Tổng Bí thư

18/05/2025 - 22:46
(Bankviet.com) Từ bức thư Bác Hồ đến thông điệp của Tổng Bí thư hôm nay, cùng nhìn lại vai trò “bộ tứ trụ” trong tiến trình lãnh đạo đất nước.
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị BÁC VẪN CÙNG CHÚNG CHÁU HÀNH QUÂN Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 68 và 66

Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, bức thư phần nào đã nói lên tầm nhìn vạch thời đại của người về hội nhập quốc tế khi viết: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác đầy đủ với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

Gần 80 năm sau, trong bối cảnh thế giới dịch chuyển mạnh mẽ, Tổng Bí thư Tô Lâm viết trong bài “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” viết: "Đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử. Kế thừa những giá trị đã được khẳng định, Nghị quyết 59 đã nắm bắt được dòng chảy của sức mạnh thời đại và nâng tầm hội nhập quốc tế với những quan điểm mang tính cách mạng, tính đột phá, tính dân tộc, tính khoa học, tính thời đại cao”. Bác Hồ của chúng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tìm ra con đường cứu nước, đưa Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Noi gương Bác, chúng ta phải bắt nhịp với sự vận động của thế giới, tìm ra con đường mang lại hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển và xây dựng vị thế cao hơn, vững chắc hơn cho đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Bộ tứ trụ cột - nhìn từ bức thư của Bác Hồ đến lời Tổng Bí thư
Tổng Bí thư Tô Lâm - Ảnh: VPQH

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 ngày 18/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh về Nghị quyết 59: “Sự ra đời của Nghị quyết 59 là quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, xác định hội nhập là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn sâu sắc: hội nhập quốc tế không chỉ là mở cửa, giao lưu, mà là một sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, tích cực và rất có bản lĩnh”. Theo Tổng Bí thư: Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực.

Từ lời hiệu triệu độc lập đến lời hiệu triệu hội nhập, đó là một mạch xuyên suốt trong tư tưởng phát triển của Việt Nam. Hệ tư tưởng ấy được thể chế hóa mạnh mẽ trong bốn nghị quyết chiến lược được ban hành trong thời gian qua, được gọi là “bộ tứ trụ cột” phát triển của thời kỳ mới, đặt nền tảng cho một kỷ nguyên thịnh vượng, bền vững và chủ động toàn diện.

Bộ tứ trụ cột - tầm nhìn chiến lược

Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 66 và 68 (18/5/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Bốn trụ cột ấy gồm:

1. Nghị quyết 57-NQ/TW: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

2. Nghị quyết 59-NQ/TW: Hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

3. Nghị quyết 66-NQ/TW: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

4. Nghị quyết 68-NQ/TW: Phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư không dùng những mỹ từ. Ông nói rõ: Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.

Bốn Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Nhìn ra quốc tế, rất nhiều nước đã thành công nhờ khai phá hiệu quả bộ tứ trụ cột ấy.

Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể trông chờ vào khai thác tài nguyên hay lao động giá rẻ. Nghị quyết 57 xác định rõ khoa học công nghệ là động lực tăng trưởng mới. Những quốc gia như Hàn Quốc, Israel hay Phần Lan đều vươn lên nhờ lấy R&D làm trụ cột ngân sách.

Nghị quyết 59 khẳng định vai trò của Việt Nam không chỉ là bên tham gia FTA, mà còn là “bên kiến tạo luật chơi toàn cầu”. Singapore, UAE hay Thụy Sĩ là những ví dụ tiêu biểu: dù quy mô nhỏ nhưng nhờ hội nhập thông minh, họ định vị được vai trò không thể thay thế.

Muốn thu hút đầu tư, bảo vệ quyền công dân, phát triển kinh tế số thì pháp luật phải đi trước. Câu chuyện “gỡ rối thể chế” là cuộc cách mạng khó hơn cả đầu tư hạ tầng. Các nước Bắc Âu đã làm điều này trong 30 năm, Việt Nam đặt ra mục tiêu chỉ trong chưa đầy một thập kỷ.

Còn về triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), đây thực sự là bước đột phá tư tưởng, khi Đảng khẳng định kinh tế tư nhân là “một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Trung Quốc đã có 90 triệu doanh nghiệp dân doanh. Việt Nam muốn cạnh tranh toàn cầu, phải có doanh nghiệp tư nhân đủ tầm khu vực.

Bộ Công Thương: Vai trò then chốt trong cả bốn trụ cột

Trong cả “bộ tứ trụ cột”, ngành Công Thương đều có mặt trong những nhiệm vụ trung tâm:

Trong Nghị quyết 57 - Công nghệ và chuyển đổi số. Xây dựng hệ thống dữ liệu thị trường ngành hàng, kết nối chuyển đổi số xuất nhập khẩu. Hình thành nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, logistics thông minh. Thí điểm quản lý thị trường bằng trí tuệ nhân tạo, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại kỹ thuật số.

Trong Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương giữ vai trò mũi nhọn: Chủ trì toàn bộ đàm phán FTA, định hình quan điểm Việt Nam tại APEC, WTO, RCEP…Chỉ đơn cử như ở hội nghị bộ trưởng thương mại Apec vừa qua, Việt Nam có 17 cuộc tiếp xúc song phương trong APEC, mở rộng không gian đàm phán và tạo dấu ấn đáng kể hay trong tháo gỡ khó khăn về xuất nhập khẩu hiện nay, Bộ Công Thương là chủ chốt, đi đầu.

Trong Nghị quyết 66: Cải cách pháp luật, Bộ Công Thương đang xây dựng hệ thống pháp luật mới về cạnh tranh, thương mại số, bảo vệ người tiêu dùng, logistics. Đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật về Công nghiệp, Thương mại, Năng lượng, tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế. Tạo cơ chế phối hợp giữa pháp luật nội địa và cam kết quốc tế, một trong những điều kiện sống còn để hội nhập thực chất.

Trong Nghị quyết 68: Phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Công Thương đồng hành với doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng khả năng tự chủ nguyên liệu, mở rộng thị trường. Xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp tư nhân ngành công nghiệp.

Từ lời Bác Hồ đến thông điệp Tổng Bí thư Tô Lâm hôm nay là một hành trình phát triển bền chặt: Độc lập không tách rời hội nhập, phát triển không thể thiếu thể chế, thịnh vượng không thể không có dân doanh và công nghệ.

Bộ Công Thương, với vai trò người lính tiên phong trên trận tuyến hội nhập, đang hiện thực hóa các nghị quyết bằng chính những đàm phán, hành động thể chế và chính sách cụ thể.

Những con số, những kết quả, những con đường lớn mới mở tại APEC, WTO, CEPA hay các FTA mới, những chính sách đang lặng lẽ đi vào cuộc sống chính là bằng chứng sống động rằng: bộ tứ trụ cột không phải lý luận, mà là thực tiễn chiến lược của một Việt Nam đang vươn mình giữa thế giới nhiều biến động.

Đại Bàng

Theo: Báo Công Thương