Bước đột phá trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

14/02/2024 - 19:00
(Bankviet.com) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều quy định đã được hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thương hiệu doanh nghiệp Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Thông tin minh bạch là vấn đề cấp thiết

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều quy định đã được hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn…

Nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng phát triển

Trước đòi hỏi của thực tiễn, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Và Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật này.

Sau gần 2 năm, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của Bộ Công Thương, Ban Soạn thảo và Cơ quan thẩm tra, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, ngày 20/6/2023 dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với 463/465 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 93,72%).

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 Chương với 80 Điều. Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (đại diện cơ quan soạn thảo) - cho biết, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, lần sửa đổi, bổ sung này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được hoàn thiện toàn diện, kịp thời bổ sung nhiều quy định và điều chỉnh các vấn đề mới, phù hợp với xu hướng phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, khu vực và trên thế giới.

Trong đó, lần đầu tiên, quy định về sản xuất, tiêu dùng bền vững được đề cập chính thức, cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để mở rộng phạm vi triển khai các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ… Luật cũng quy định tách biệt, cụ thể trách nhiệm của UBND từng cấp; bổ sung trách nhiệm xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và các cấp địa phương…

Bước đột phá trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024

Liên quan tới các phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, đại diện cơ quan soạn thảo cũng cho biết, luật đã hoàn thiện quy định có tính đột phá, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong việc áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung các nhóm quy định để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, như quy định về phân loại và xác định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; phân loại trách nhiệm của một số mô hình kinh doanh có các yếu tố đặc thù. Cùng với đó, luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công bố, công khai các thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.

Tuyên truyền để mọi chủ thể hiểu và tuân thủ các quy định

Sau khi được thông qua, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch (kèm theo Quyết định số 2720/QĐ-BCT) về việc thực hiện Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó có việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện, dự thảo đã được trình Chính phủ xem xét vào tháng 12/2023.

Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào đời sống, công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện để bảo đảm mọi chủ thể đều hiểu và tuân thủ các quy định của luật.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã dự kiến một số hình thức triển khai, trong đó xác định hình thức tập trung chính, xuyên suốt là việc phối hợp với các cơ quan báo chí để tạo ra nội dung, cách thức tuyên truyền chất lượng và đáng tin cậy, dễ tiếp cận về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nói riêng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung. Thông qua định hướng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan báo chí, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tin tưởng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ tiếp tục được phát huy. Từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - bà Nguyễn Quỳnh Anh thông tin.

Đánh giá về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết, các quy định pháp lý trong luật lần này đã cụ thể hơn, chi tiết hơn. Do đó, khi luật có hiệu lực sẽ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn; đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần bị loại bỏ.

“Hội Bảo vệ người tiêu dùng luôn khuyến khích, vận động người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Có như vậy, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về quyền người tiêu dùng mới biết và có cơ sở để vào cuộc” - ông Vũ Văn Trung nói.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng khẳng định, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cũng là cơ sở hứa hẹn sự khởi sắc của bức tranh xã hội về bảo vệ người tiêu dùng năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của quản lý nhà nước và bảo đảm hiệu quả hội nhập quốc tế. Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bảo đảm ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận. Đồng thời, luật cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương