Thống kê trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động (LSHĐ) trung bình đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 3/2022.
Mẫu thống kê của BVSC cho biết, trung bình LSHĐ 6 tháng tăng nhẹ 0,03 điểm phần trăm lên mức 4,82%/năm; trong khi LSHĐ 12 tháng trung bình cũng tăng 0,04 điểm phần trăm lên mức 5,58%/năm vào cuối tháng 3. Mức giảm so với cùng kỳ năm 2021 của cả 2 loại lãi suất trung bình này cũng rút ngắn xuống còn 0,02 và 0,03 điểm phần trăm.
Thống kê cũng cho biết, 2 nhóm NHTM cổ phần cùng chứng kiến LSHĐ tăng trong tháng 3, trong đó: nhóm các NHTM cổ phần quy mô lớn (vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng) tăng 0,02 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 6 tháng lên 4,59%/năm và 0,03 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 12 tháng lên 5,34%/năm; còn nhóm NHTM cổ phần quy mô nhỏ (vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng) nâng lãi suất của 2 loại kỳ hạn trên thêm 0,04 điểm phần trăm và 0,05 điểm phần trăm, lên lần lượt 5,46%/năm và 6,09%/năm.
Trái ngược với việc điều chỉnh tăng của khối NHTM cổ phần, nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 3/2022. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,78%/năm trong tháng thứ 10 liên tiếp; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 8 tháng.
Trên thị trường liên ngân hàng, thống kê cho thấy, trong tuần cuối tháng 3/2022, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm 0,05% xuống còn 2,08%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến tăng, lần lượt ở mức 0,11% và 0,21% lên mức 2,36% và 2,53%/năm.
Trên thị trường mở (OMO), tuần qua, NHNN hút ròng tổng cộng 3.384 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, NHNN bơm 3.794 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua kênh OMO. Đây là lượng bơm ra mạnh nhất trong hơn 1 tháng gần đây.
Trong tuần có 411 tỷ đồng trên OMO kỳ hạn 14 ngày đã đáo hạn. Như vậy, lượng OMO đang lưu hành đã tăng trở lại lên 4.509 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn đang ở trạng thái đóng băng trong gần 2 năm trở lại đây.
Đánh giá về điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, các chuyên gia của BVSC nhận định, với Chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,92% sau 3 tháng đầu năm 2022 - mức tương đối thấp so với các năm gần đây, đang cho phép NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho các tháng đầu năm 2022 để kích thích nền kinh tế hồi phục.
Trên thực tế, trong Quyết định 422/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, được Thống đốc NHNN ban hành trong tháng 3 vừa qua, NHNN tiếp tục cho thấy định hướng hỗ trợ với một trong các nhiệm vụ là chỉ đạo các TCTD phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm phần trăm trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, NHNN cũng đang phối hợp với các Bộ ban ngành liên quan trong việc ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện gói cấp bù lãi suất 2% cho 2 năm 2022-2023. Trong công điện được Thủ tướng Chính phủ gửi đi vào cuối tháng 3/2020, NHNN cũng được đôn đốc khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định này và báo cáo tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2022.
“Gói cấp bù lãi suất 2% một khi được thực hiện sẽ có hỗ trợ lớn đối với các doanh nghiệp trong việc cắt giảm chi phí và tăng cường hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh sau một giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, BVSC nhận định.
Do đó, với những động thái này của NHNN, BVSC đánh giá: “lãi suất trong năm 2022 sẽ duy trì ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho sự hồi phục của các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế”.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, BVSC cho biết, tính tới ngày 21/3/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 4,03% - mức tăng trưởng tháng 3 cao nhất kể từ năm 2018 tới nay. Còn theo cập nhật chi tiết của NHNN, tính tới hết tháng 1/2022, tín dụng cũng ghi nhận mức tăng 2,49% YTD và 15,56% YoY – cũng là mức tăng YoY cao nhất kể từ năm 2018 tới nay.
Điểm tích cực là tín dụng vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại đều tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn. Điều này cho thấy nhu cầu về vốn khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được mở cửa hoạt động trở lại đang rất lớn, và cũng phần nào giải thích cho việc thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn trong các tháng đầu năm vừa qua, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên mặt bằng cao mới, cũng như lãi suất huy động có diễn biến nhích tăng. Do vậy, BVSC đánh giá: “mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021”.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền