Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research vừa có báo cáo phân tích về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023. Nhóm phân tích cho rằng, năm 2023 sẽ là năm then chốt để thử thách nền tảng sức mạnh của kinh tế Việt Nam. GDP Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP ở mức 6,2% cho năm nay, đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh xu hướng kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể.
Cụ thể, Chính phủ đã mở rộng chính sách tài khóa và khu vực kinh tế tư nhân đang thu hút FDI. Chính sách tiền tệ có thể duy trì thận trọng, nhưng không tích cực như năm 2022. Nhu cầu toàn cầu chậm lại vẫn là rủi ro lớn trong ngắn hạn, nhưng đáng quan tâm hơn sẽ là rủi ro thanh khoản và các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
SSI Research chỉ ra 3 câu hỏi lớn mà kinh tế toàn cầu cần có lời giải đáp xuyên suốt năm 2023 mà sẽ tác động lớn tới bối cảnh vĩ mô của Việt Nam.
Câu hỏi thứ nhất: Suy thoái
Trên thực tế, các số liệu kinh tế hiện tại đang chỉ ra rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với rủi ro suy thoái trong 2023. Môi trường lãi suất ở mức cao, lạm phát cao kéo dài và thu nhập suy giảm đã và đang tác động tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiếp tục có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia và khu vực.
Cụ thể, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế tại khu vực EU trong nửa đầu năm 2023 hiện đang tương đối cao, trong khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ vẫn cho thấy sự vững vàng nhất định từ tiêu dùng nội địa.
Mặc dù vậy, trong kịch bản cơ sở, SSI Research vẫn cho rằng, nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nhẹ và ngắn vào cuối năm 2023. Khu vực châu Á, tiếp tục có sự vượt trội so với các khu vực khác, với sự trở lại của Trung Quốc nhờ việc dỡ bỏ dần chính sách Zero COVID và mở cửa nền kinh tế.
Câu hỏi thứ hai: Lạm phát
Một vấn đề đáng chú ý khác cần theo dõi trong năm tới là tốc độ giảm của lạm phát như thế nào sau những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022. Mặc dù lạm phát đang cho thấy các tín hiệu hạ nhiệt rõ ràng hơn, tốc độ sụt giảm và khi nào lạm phát quay về mức mục tiêu dài hạn vẫn là những câu hỏi khó có thể đưa ra đáp án, đặc biệt đối với nước Mỹ khi lạm phát dịch vụ hiện vẫn duy trì mức cao trong thời gian dài.
Đặc biệt, lạm phát tổng thể có thể có dấu hiệu dịu lại, nhưng lạm phát cơ bản duy trì ở mức cao vẫn là vấn đề làm đau đầu các ngân hàng trung ương.
Câu hỏi thứ ba: Chính sách tiền tệ
Thị trường hiện đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất từ 50 - 75 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2023 và bắt đầu đẩy mạnh chu kỳ nới lỏng vào cuối năm 2023 và 2024, với mức giảm kỳ vọng là 200 điểm cơ bản từ mức đỉnh.
Theo SSI Research, thị trường chứng khoán sẽ biến động mạnh theo cả hai chiều do thanh khoản dự kiến duy trì ở mức thấp (giả định giá trị giao dịch bình quân của thị trường sẽ giảm 25% trong năm 2023). Các yếu tố cần theo dõi trong nửa đầu năm 2023, bao gồm:
(1) Lạm phát cao (dự kiến đạt đỉnh vào quý I/2023) tác động tiêu cực đến tiêu dùng.
(2) Lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán (một số lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn được dời từ quý IV/2022 sang quý I/2023); các vụ việc sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đang chờ xử lý.
(3) Fed tăng lãi suất vào tháng 2, tháng 3 và tháng 5 sẽ giữ lãi suất ở mức cao.
(4) Nhóm phân tích giả định Nghị định 65 sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thông qua trong quý I/2023.
(5) Vinfast IPO
(6) Lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan, một số ngành ghi nhận mức đáy về tăng trưởng lợi nhuận.
(7) Thị trường bất động sản trầm lắng.
(8) Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều khả năng sẽ tác động đến ngành du lịch Việt Nam từ cuối quý II/2023 (kỳ nghỉ hè).
Trong nửa cuối năm 2023, có rất nhiều câu hỏi đặt ra để quyết định chiều hướng của thị trường: Nếu tiêu dùng yếu đi, thì yếu đến mức nào? Liệu suy thoái toàn cầu có sớm kết thúc? Khi lãi suất giảm thì mức giảm có mạnh không? Nỗ lực phòng chống tham nhũng sẽ có tiến triển như thế nào? Nghị định 65 sửa đổi sẽ được triển khai hiệu quả và thực tế hay không?
"Trong kịch bản tích cực, mặc dù các dữ liệu vĩ mô có vẻ vẫn yếu, nhưng thị trường có thể đã bỏ qua các yếu tố này và hướng đến kỳ vọng cho sự phục hồi vào năm 2024.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần thận trọng và không nên bỏ qua tác động của các yếu tố có độ trễ, như lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan hoặc dòng vốn FDI yếu đi, vì những yếu tố này có thể chỉ bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối năm 2023", báo cáo nhấn mạnh.
Kịch bản tích cực: Nền kinh tế toàn cầu hạ cánh mềm, Chiến tranh Nga – Ukraine kết thúc trong năm 2023 và Trung Quốc hủy bỏ hoàn toàn chính sách Zero Covid. Trong nước, chính sách mở rộng tài khóa được sử dụng hiệu quả trong 2023.
Kịch bản cơ sở: Nền kinh tế toàn cầu hạ cánh cứng (nhưng không phải suy thoái kéo dài). Mặc dù các bất ổn địa chính trị có thể lắng dịu, chiến tranh Nga – Ukraine có thể vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức. Trung Quốc hủy bỏ hoàn toàn chính sách Zero Covid. Trong nước, chính sách tài khóa và gói hỗ trợ được giải ngân tương đối tốt.
Kịch bản kém khả quan: Nền kinh tế toàn cầu hạ cánh cứng và suy thoái kéo dài hơn. Bất ổn địa chính trị nghiêm trọng và cần nhiều thời gian hơn để giải quyết. Trong nước, các khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2023.
Theo SSI, năm 2023, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp kích thích tài khóa nhờ cơ cấu nợ công vẫn đang được kiểm soát ở mức hợp lý (ước tính nợ công trong năm 2023 đạt 45% GDP, thấp hơn múc trần 60% của Chính phủ).
Đức Anh