Cách làm của các địa phương đi đầu trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát

13/05/2025 - 08:33
(Bankviet.com) Tại Phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát diễn ra ngày 11/5, đại diện một số địa phương hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm trong triển khai nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.
img2928-17469275889562120486211.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: VGP)

Thái Nguyên: Tránh người dân tái nghèo

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã rà soát và hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt 100% so với kế hoạch đề ra. Trong đó có những hộ gia đình đã huy động từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, các tổ chức xã hội, gia đình, dòng họ…; có những căn nhà được xây dựng với kinh phí lớn.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt 100%.

Để đạt được kết quả đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết, tỉnh đã có những sáng kiến trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo đó, tỉnh đã tổ chức kiểm tra, rà soát, ghi nhận tất cả các trường hợp trước khi hỗ trợ, xác định về thời gian, tiến độ, cập nhật thường xuyên tiến độ, khi hoàn thành thì lập biên bản nghiệm thu, bàn giao sử dụng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, những hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi rà soát, tỉnh đã cấp quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng, các hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, khi có xây nhà mới ở có giá trị và giấy chứng nhận thì có ý định và có hộ đã làm, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà cho người khác. Điều này dễ dẫn đến tình trạng tái nghèo. Tỉnh đã lường trước và đã chỉ đạo rà soát, nắm tình hình, động viên, tuyên truyền, giáo dục cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo.

Một việc nữa là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh nhiều con nên rất dễ tái nghèo. Tỉnh đang rà soát và yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc để vận động, tuyên truyền, giúp các hộ này không tái nghèo do việc sinh nhiều con gây nên.

Bình Phước: Quyết tâm chính trị cao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu

Sau khi Thủ tướng phát động chương trình, Bình Phước đã phát động phong trào thi đua 200 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Chương trình này tỉnh Bình Phước đã thực hiện từ năm 2018. Số căn nhà còn phải thực hiện là khoảng hơn 800 căn và tỉnh đã hoàn thành trong đợt 30/4 vừa qua.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh, Bình Phước có 4 bài học kinh nghiệm về việc thực hiện chương trình này, bao gồm:

Thứ nhất là quyết tâm chính trị cao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Bình Phước gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này để Bí thư cấp ủy, Chủ tịch các huyện, thị phải chịu trách nhiệm với Tỉnh ủy, Trung ương về tất các công việc rà soát, xây dựng nhà trên địa bàn. Kể cả rà soát số liệu sai không bảo đảm, không rà soát kỹ như đối tượng sai thì Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm. Nếu đề xuất thiếu thì tự vận động, tự xã hội hóa để thực hiện.

Thứ hai là công tác chỉ đạo quyết liệt, đeo bám công việc, thành lập các tổ công tác, phân công công việc rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Tuân thủ các chế độ báo cáo công việc hằng tuần, đặc biệt vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở cấp cơ sở kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục đối với từng hộ gia đình, từng căn nhà ở cơ sở. Do đó đã triển khai được công việc bảo đảm tiến độ. Bên cạnh đó là sự tận tâm, tận tụy trực tiếp gần dân, hiểu dân và chịu trách nhiệm trực tiếp từng vụ việc cụ thể, tránh việc khiếu kiện, khiếu nại.

Thứ ba là sự sáng tạo linh hoạt trong cách làm, căn cứ theo chủ trương của Trung ương về tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân, đặc biệt trong việc thực hiện xây dựng nhà tiền chế trên đất quy hoạch bauxite sau đó giải quyết song song các thủ tục tiếp theo.

Thứ tư là thực hiện công tác xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ quỹ đất cũng như các nhà tài trợ về đất, tiền để xây dựng nhà. Mức hỗ trợ của Bình Phước đối với người có công khoảng 100 triệu đồng/căn; bình thường các nhà khác là 80 triệu đồng/căn; nhà sửa chữa là 40 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, huy động các ban, ngành, đoàn thể đóng góp ngày công lao động để có các căn nhà khang trang, sạch đẹp hơn.

Bình Phước sẽ tổng kết chương trình này vào ngày 16/5; tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo; rà soát các gia đình, hộ có công từ nay đến cuối năm và những năm sắp tới được tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

lanh-dao-dp.jpg
Lãnh đạo các địa phương chia sẻ kinh nghiệm để đi đầu trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Ảnh: VGP)

Vĩnh Long: Thành lập Ban chỉ đạo để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao

Đến ngày 30/4, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 1.328 căn nhà, bao gồm 492 căn nhà xây dựng mới, còn lại là các nhà được sửa chữa. Nhà dành cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ là 497 căn, nhà cho hộ nghèo và cận nghèo là 790 căn, hộ dân tộc thiểu số là 41 căn, với số tiền là 86 tỷ đồng.

Tỉnh đã chủ động bố trí khoản kinh phí này, trong đó đối với các gia đình có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, nguồn kinh phí 22 tỷ đồng tỉnh chủ động tạm ứng trong Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tỉnh cũng chủ động thực hiện với các nguồn lực khác để xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã chỉ ra 3 kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, ngay khi có chủ trương của Trung ương, tỉnh khẩn trương triển khai rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, như các hộ đặc biệt khó khăn, hộ già neo đơn không có khả năng tự xây nhà, các hộ gặp trở ngại do đặc thù phong tục, tập quán. Tỉnh chủ động khảo sát, lập danh sách và lên kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, để sát sao từng trường hợp.

Thứ hai, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cả hệ thống chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cả người dân có tâm huyết với chương trình tham gia ủng hộ. Tỉnh vào cuộc rất quyết liệt, thực hiện theo kế hoạch, đề án. Mặt trận Tổ quốc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện, để đề nghị Ủy ban hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.

Thứ ba là sự chủ động, linh hoạt, ví dụ vấn đề ứng kinh phí. Để thực hiện hỗ trợ cho người có công, chúng tôi thực hiện ngay từ đầu. Cách huy động cũng được chú trọng hơn để đa dạng các nguồn lực, kể cả ngày công, góp công, góp sức. Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cũng vào cuộc xử lý các vấn đề như đầu tư, nguyên vật liệu… để bảo đảm kịp thời nguồn vật liệu xây dựng.

Qua thực hiện chương trình, tỉnh Vĩnh Long nhận thấy, sau khi xóa nhà tạm, nhà dột nát, vẫn có những hộ tái nghèo hoặc hộ nghèo phát sinh. Do đó, tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp tạo sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt chú trọng các hộ chưa đủ khả năng tự vươn lên trong lao động sản xuất, nhằm đề phòng nguy cơ tái nghèo sau khi đã được hỗ trợ nhà ở.

Tây Ninh: Sự đồng thuận, huy động được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở

Sau 4 tháng triển khai, đến ngày 25/4/2025, tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành cơ bản hai đề án, bàn giao nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, lập thành tích chào mừng đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 50 năm giải phóng Tây Ninh.

Đối với các trường hợp hộ không có đất, tỉnh Tây Ninh chủ động bố trí quỹ đất công, xây dựng các khu dân cư mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, nước sạch và trang thiết bị thiết yếu cho các hộ gia đình.

Theo tiêu chuẩn diện tích của Trung ương, mỗi căn nhà rộng 32m2, nhưng tỉnh Tây Ninh đã nâng diện tích lên 42m2 nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho các hộ dân.

Khi bàn giao nhà, tỉnh còn tặng thêm các thiết bị gồm 1 tivi, 1 quạt điện, 1 nồi cơm điện, 1 bể chứa nước sạch và hệ thống xử lý nước đảm bảo an toàn trong sinh hoạt cho các hộ dân.

Để đạt được kết quả này, theo Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng, có 5 kinh nghiệm đã được rút ra, bao gồm:

Thứ nhất, có sự chủ động xây dựng, phê duyệt đề án ngay khi có chủ trương chỉ đạo từ Trung ương.

Thứ hai là sự đồng thuận, huy động được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động quyết liệt của lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện đề án.

Thứ ba, tỉnh đã thiết kế mẫu nhà thống nhất trên toàn địa bàn để đảm bảo các bộ phận triển khai thuận lợi.

Thứ tư, chủ động huy động và bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho triển khai từng giai đoạn.

Thứ năm, linh hoạt, kịp thời xử lý các vướng mắc về đất đai, đảm bảo đủ quỹ đất phục vụ xây dựng.

Minh Hoàng

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ