Cách nào để xuất khẩu gỗ ổn định và bền vững sang thị trường Hoa Kỳ?

18/12/2023 - 14:11
(Bankviet.com) Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước cần chủ động tìm hiểu, cập nhập các xu hướng, tiêu chuẩn mới của thị trường Hoa Kỳ để thích ứng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Xuất khẩu gỗ sang Anh: Chuyển đổi sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường Tháng 11/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ chạm mức cao nhất trong 1 năm qua Năm 2023, xuất khẩu viên nén gỗ dự kiến sụt giảm 17% so với năm ngoái

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng cuối năm nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực hơn, hàng tồn kho tại các thị trường chính có xu hướng giảm.

Cách nào để xuất khẩu gỗ ổn định và bền vững sang thị trường Hoa Kỳ?
Nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu, những tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự cải thiện tích cực. Ảnh minh họa

Dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong tháng 11/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,22 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 3,4% so với tháng 11/2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 867,9 triệu USD, giảm 0,6% so với tháng trước.

Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,2 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022

“Đà phục hồi vẫn còn chậm và xu hướng này dự kiến vẫn tiếp tục trong thời gian tới, do các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với nhóm hàng hóa không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét", Bản tin thị trường Nông - Lâm - Thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu số ra mới nhất nêu rõ.

Cũng theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ giảm, đặc biệt là trong những tháng đầu năm, dẫn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính trong 11 tháng năm 2023 đều giảm đáng kể.

Dẫn đầu về trị giá là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 6,6 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,55 tỷ USD, giảm 22,2%; Nhật Bản đạt 1,52 tỷ USD, giảm 11,5%; Hàn Quốc đạt 718 triệu USD, giảm 22,4%; Canada đạt 183,4 triệu USD, giảm 16,8%, Vương quốc Anh 175 triệu USD, giảm 18,2%...

Dù giảm về trị giá song Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với ngành gỗ của Việt Nam. Số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ trong tháng 9/2023 đạt 616,9 triệu USD; tăng 7,5% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ đạt 5,2 tỉ USD; giảm 24,2% so với cùng kỳ 2022, mức độ giảm đang thu hẹp khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng dần.

Cách nào để xuất khẩu gỗ ổn định và bền vững sang thị trường Hoa Kỳ?
Sau đại dịch, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là về giá cả, do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải thích ứng để xuất khẩu ổn định và bền vững. Ảnh minh họa

Nhận định đánh giá về những cơ hội cho ngành gỗ tại thị trường Hoa Kỳ trong năm 2024, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, tỷ lệ hàng tồn kho tại Hoa Kỳ trong dịp cuối năm giảm dần, do vậy, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ trong những tháng đầu năm 2024.

Chung quan điểm này, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng nhận định, Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm Hoa Kỳ nhập khẩu sản phẩm gỗ có giá trị từ 24-25 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia cung ứng sản phẩm gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ gần 9 tỷ USD, tương đương với 37% tổng lượng nhập khẩu gỗ của Hoa Kỳ.

Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu cực kỳ lớn và quan trọng. Hàng năm, Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 50-55% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam” - ông Ngỗ Sỹ Hoài thông tin và nhận định, mặc dù Hoa Kỳ cũng như nhiều thị trường khác giảm nhu cầu nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, tuy nhiên, Hoa Kỳ luôn là thị trường chiến lược, thị trường quyết định sự tăng trưởng của ngành gỗ tại Việt Nam.

Phân tích những cơ hội của đồ gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Huy - Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian tới, bởi, Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã ngừng tăng lãi suất trong 3 kỳ điều chỉnh liên tiếp và phát đi dấu hiệu có thể sẽ giảm lãi suất trong năm 2024 để thúc đẩy tăng tưởng có thể sẽ tạo ra tác động dây chuyền, lan tỏa buộc Ngân hàng Trung ương các nước sẽ đồng thuận giảm lãi suất.

Đây là tín hiệu tích cực, giúp lấy lại đà tăng trưởng của các quốc gia và sẽ gián tiếp tác động đến xuất khẩu của ngành gỗ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ” - ông Phạm Quang Huy nhận định.

Cũng theo Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong năm 2023, phân khúc thị trường các sản phẩm tủ bếp, đồ nội thất... xuất khẩu sang Hoa Kỳ tuy không tăng cao nhưng vẫn duy trì được đơn hàng tương đối ổn định dù chưa bằng mức trước đại dịch. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ… của Hoa Kỳ từ Việt Nam khá lớn và đây đều là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Điều này cho thấy, các sản phẩm nội thất của Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ và còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu.

Song, ông Phạm Quang Huy cho rằng, sau đại dịch, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là về giá cả. Đặc biệt, về mặt tiêu chuẩn xuất khẩu, thị trường Hoa Kỳ ngày càng yêu cầu chặt chẽ và nghiêm ngặt về các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, hướng đến chuỗi cung ứng sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Điều này đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó.

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhập xu hướng mới của thị trường, các tiêu chuẩn và quy định mới của Hoa Kỳ về các mặt hàng gỗ nội ngoại thất. Đồng thời chú trọng hơn về tìm hiểu tình hình tài chính của đối tác, lựa chọn khâu thanh toán an toàn có thể duy trì đà tăng trưởng bền vững vào thị trường này trong thời gian tới” - Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Huy khuyến cáo.

Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm 2023, nhưng ngành gỗ sẽ khó về đích với mục tiêu 17 tỷ USD. Dự kiến, năm 2023 xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 13,5 - 14 tỷ USD.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương