Đánh giá đầy đủ nguyên nhân làm gia tăng tội phạm
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người lao động có thu nhập thấp.
Lợi dụng tình hình, các loại tội phạm ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, song với sự quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, vừa chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, tổ chức tấn công trấn áp quyết liệt, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại vi phạm pháp luật và các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
"Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là rất đáng trân trọng, ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội", Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hoà) nêu quan điểm.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, bức tranh chung về tình hình tội phạm vi phạm pháp luật năm 2023 tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản do phạm tội gây ra. Trong đó, một số loại tội phạm tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự… Điều này, không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm tăng, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho rằng, đó là bởi công tác đánh giá, dự báo tình hình chưa tốt và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, hiệu quả thực hiện còn thấp, nhất là việc cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội để người dân biết phòng ngừa, đấu tranh. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ nguyên nhân làm gia tăng tội phạm để có những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, trước diễn biến tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp cần phải tập trung thực hiện thật tốt công tác phòng ngừa và chủ động ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng.
Trong phòng ngừa tội phạm cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet. Phải làm cho người dân hiểu, cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh tố giác hành vi tội phạm.
Cùng với đó là kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng khoa học, sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao.
Quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tội phạm trên không gian mạng
Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thực trạng tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet được phát hiện ngày càng gia tăng; vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn.
"Thời gian qua, chúng ta liên tục nghe các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng và tôi tin rằng chính bản thân mỗi vị đại biểu ở đây cũng đã từng ít nhất 1 lần nhận những cuộc gọi lừa đảo hay tin nhắn rác. Thời gian tới, trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu, các ứng dụng trên nền tảng số ngày càng phát triển thì các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ tiếp tục gia tăng", đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nhận định.
Còn đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) nêu quan điểm: Thực tiễn hiện nay tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang rất phức tạp, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Tỷ lệ điều tra xử lý và thu hồi tài sản đối với hành vi này rất thấp, vì phương thức thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, phức tạp, các đối tượng đều có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nên rất khó trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ điện tử dễ bị tẩy xóa, khó khôi phục và thường có yếu tố nước ngoài.
Nêu thực tế thời gian qua, người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số liên tục bị các đối tượng tội phạm dùng các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng và công chức các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền; các hành vi xâm nhập các địa chỉ như zalo, facebook cá nhân để lừa tiền đang xảy ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi hơn, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết, phòng tránh.
Đồng thời đề nghị các đài phát thanh, truyền hình cần dành một thời lượng phù hợp vào các khung giờ vàng, thời điểm mà nhiều người theo dõi để cập nhật các thông tin cảnh báo về các loại hình tội phạm này để người dân nhận biết và phòng tránh.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, tiến tới loại bỏ hoàn toàn sim rác. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua các ứng dụng điện thoại, điển hình là những cuộc gọi mạo danh.
Theo Hải Liên/baochinhphu.vn