Cần giải pháp toàn diện và đồng bộ để giải quyết các thách thức kinh tế hiện nay

16/04/2025 - 10:38
(Bankviet.com) Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế cần được giải quyết để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trở thành một quốc gia hiện đại, có vị thế cao trên trường quốc tế, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những thách thức

Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trước hết, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất khẩu. Theo một thống kê, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI đang chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam [1]. Nhiều doanh nghiệp FDI chỉ tập trung vào lắp ráp và gia công, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao. Phần lớn giá trị linh kiện vẫn phải nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu [2].

Đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh, chuyển giao công nghệ và tạo việc làm. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào FDI khiến nền kinh tế dễ bị giảm khả năng tự chủ, mất cân bằng trong cán cân thương mại cũng như dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại và các cuộc khủng hoảng quốc tế. Khi kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu xuất khẩu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Việt Nam, cho thấy mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế. Điều này khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ thị trường quốc tế. Chẳng hạn, vốn là một nước xuất khẩu gạo và cà phê hàng đầu thế giới, mặc dù những sản phẩm này rất quan trọng đối với nền kinh tế nhưng một khi nhu cầu tại các nước đối tác giảm đột ngột, nền kinh tế Việt Nam có thể phải hứng chịu những tác động đáng kể.

Thứ hai, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tính theo PPP 2021, năng suất lao động của Việt Nam năm 2023 đạt 24,5 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% của Singapore; 15,1% của Brunei; 35,5% của Malaysia; 65,4% của Thái Lan; 85,6% của Indonesia [3]. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2024 chỉ bằng khoảng 1/7 so với Singapore [4]. So với các nước phát triển ở khu vực châu Á và thế giới, năng suất lao động của nước ta còn thấp hơn rất nhiều.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây tiêu hao nhiều năng lượng, chi phí, ô nhiễm môi trường, làm giảm năng suất và khả năng cạnh tranh. Theo một con số được công bố, có gần 85% doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ lạc hậu [5]. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Vafie), việc thu hút và sử dụng vốn FDI vẫn còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục. Trong đó, số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5% [6].

Thứ ba, chuyển đổi số còn chậm, hạ tầng viễn thông và Internet chưa đồng bộ, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi. Nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ vào công nghệ hiện đại. Chi phí đầu tư vào công nghệ cao còn lớn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ. Phát triển công nghệ số không đồng đều giữa các vùng, miền, một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số.

Nhận thức và kỹ năng số còn thấp, nhiều doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Thiếu nhân lực có kỹ năng số để triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại. Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức trọn vẹn về vai trò của chuyển đổi số, còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ đủ mạnh, thiếu tư duy hoặc gặp thách thức về văn hóa kỹ thuật số [7].

Thứ tư, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Việt Nam phải cạnh tranh với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN khác trong thu hút đầu tư và xuất khẩu, trong khi các nước này có lợi thế về quy mô thị trường, chi phí lao động thấp, có hạ tầng công nghiệp phát triển. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam cũng phải chịu áp lực cạnh tranh kinh tế giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 05/02/2025 cho thấy, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ năm 2024 đạt mức kỷ lục trong lịch sử với 1.200 tỷ USD [8], trong khi Việt Nam đứng thứ 4 về thặng dư với Mỹ, sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico. Điều này khiến Việt Nam có thể gặp những rủi ro nhất định, dù không phải là trong ngắn hạn.

Thứ năm, Việt Nam cũng đối mặt với một số áp lực về kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn như lạm phát và tỷ giá; nợ công và nợ xấu; thâm hụt ngân sách; bất ổn của thị trường bất động sản; biến động giá dầu và năng lượng; thị trường lao động.

Lạm phát và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, giảm sức mua của người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp. Chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Tỷ giá biến động có thể làm tăng chi phí nhập khẩu và nợ nước ngoài; gây áp lực lên dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Nợ công của Việt Nam năm 2024 khoảng 165-170 tỷ USD, tức 4-4,1 triệu tỷ đồng [9]; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tiềm ẩn nguy cơ tăng. Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/12/2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023 và có thể tăng hơn trong năm 2025 [10]. Nợ công và nợ xấu sẽ làm giảm khả năng đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng và xã hội; gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng và niềm tin của nhà đầu tư.

Bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 ở mức 389,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 3,4% GDP; năm 2025 dự kiến sẽ là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP [11]. Thâm hụt ngân sách lớn có thể dẫn đến tăng nợ công và áp lực lên chính sách tài khóa. Thị trường bất động sản thiếu ổn định có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nợ xấu tăng từ các khoản vay bất động sản.

Biến động giá dầu và năng lượng làm tăng chi phí sản xuất và vận chuyển, gây áp lực tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp, tạo áo lực lên cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối. Thiếu hụt lao động, nhất là lao động có trình độ tay nghề cao có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, khó cải thiện năng suất lao động, tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh.

Thứ sáu, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, quá tải hạ tầng đô thị. Kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong thu nhập và cơ hội phát triển. Dòng người di cư từ nông thôn ra thành thị do nhu cầu việc làm, thay đổi cuộc sống và do cơ chế quản lý, gây áp lực lên hạ tầng đô thị, nhà ở, giao thông, và môi trường.

Cần các giải pháp toàn diện và đồng bộ

Để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trở thành một quốc gia hiện đại, có vị thế cao trên trường quốc tế, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần một hệ thống các giải pháp toàn diện và đồng bộ nhằm giải quyết các thách thức kinh tế như đã phân tích. Một số giải pháp sau cũng có thể đáng để cân nhắc, xem xét áp dụng.

Một là, đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào khối FDI và cân bằng tỷ trọng xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp nội địa, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao, thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển từ gia công sang thiết kế và sản xuất sản phẩm có thương hiệu riêng.

Xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh để nâng cao giá trị xuất khẩu và thu hút đầu tư chất lượng cao. Để xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh, theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cần nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với việc phát triển thương hiệu sản phẩm. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và quản trị phát triển các thương hiệu sản phẩm mang lại giá trị gia tăng lớn hơn. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá cho chương trình thương hiệu quốc gia, các sản phẩm đạt tiêu chí chương trình thương hiệu quốc gia, từ đó để người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến [12].

Hai là, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng suất. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, cung cấp các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số. Khuyến khích sử dụng các giải pháp công nghệ số trong quản lý, sản xuất và kinh doanh. Phát triển kinh tế số, thúc đẩy các ngành công nghiệp số như thương mại điện tử, fintech, và công nghệ tài chính.

Hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều trở ngại về công nghệ do đi sau thế giới, chưa làm chủ được các công nghệ lõi, các hệ thống nền tảng cơ bản. Cùng với đó là khó khăn từ vốn đầu tư và nhận thức của doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp (cả phần cứng và phần mềm); giải quyết các khó khăn về vốn đầu tư; thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả.

Ba là, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế, quản lý giá cả, ổn định tỷ giá và dự trữ ngoại hối nhằm kiểm soát lạm phát; kiểm soát hiệu quả nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ lãi suất hợp lý và kiểm soát lượng tiền cung ứng để kiềm chế lạm phát. Áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, năng lượng. Khuyến khích xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài để tăng dự trữ ngoại hối. Can thiệp tỷ giá khi cần một cách linh hoạt để tránh biến động mạnh.

Kiểm soát chi tiêu công, tập trung chi tiêu vào các dự án hiệu quả và cắt giảm chi phí không cần thiết. Thúc đẩy các biện pháp xử lý nợ xấu, bao gồm bán nợ cho các công ty quản lý tài sản (AMC). Thúc đẩy thị trường bất động sản bằng các biện pháp như nới lỏng tín dụng cho các dự án bất động sản có tính khả thi cao, cải cách thủ tục pháp lý để thúc đẩy các dự án bất động sản.

Bốn là, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và môi trường. Xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh để nâng cao uy tín và giá trị xuất khẩu. Tổ chức các chiến dịch quảng bá thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đào tạo doanh nghiệp về các quy định và tiêu chuẩn trong các hiệp định thương mại.

Xây dựng chiến lược bài bản và tổng thể nhằm giải quyết mối quan ngại về thâm hụt thương mại của phía Mỹ, bao gồm các giải pháp đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu; tăng cường mua hàng hóa từ Mỹ; đấu tranh quyết liệt chống gian lận thương mại, xuất xứ để không bị lợi dụng; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và hợp tác với phía Mỹ để kịp thời nhận diện và phối hợp xử lý các vướng mắc, nếu có [13].

Năm là, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý tài nguyên một cách hiệu quả, áp dụng các biện pháp quản lý bền vững đối với tài nguyên rừng, nước và khoáng sản, thúc đẩy tái chế và tái sử dụng tài nguyên. Kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, quản lý rác thải hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm. Phát triển các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các vùng dễ bị tổn thương (như đồng bằng sông Cửu Long). Áp dụng các giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chịu hạn, mặn, ngập úng. Hỗ trợ các dự án cộng đồng sử dụng công nghệ xanh và bảo vệ môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sáu là, tiếp tục cải cách thể chế và quản trị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, công bằng và hiệu quả để thu hút đầu tư và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tham nhũng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước./.

Chú thích:

1 Duy Anh, Ngành công nghiệp - “giải bài toán” phụ thuộc FDI, https://kinhtetrunguong.vn, ngày 24-5-2024.

2 Lê Hoàng, Cần thu hút FDI chất lượng cao để nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam, https://thesaigontimes.vn, ngày 09-02-2025.

3 Hải Bình, Cần giải pháp đồng bộ để tăng năng suất lao động quốc gia, https://baodauthau.vn, ngày 02-9-2024.

4 Con người và khoa học công nghệ là “cốt lõi” nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện năng suất bền vững, https://www.most.gov.vn, ngày 18-02-2025.

5 Thu Trang, 85% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu: Thách thức trong tăng trưởng xanh, https://vov.vn, ngày 03-5-2023.

6Anh Nhi, Đức Long, VAFIE lần đầu công bố Báo cáo thường niên FDI tại Việt Nam, https://vneconomy.vn, ngày 10-5-2022.

7 Hoàng Minh, Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, https://vov.vn, ngày 26-11-2023.

8,13 Hoàng Hạnh, Nhận diện và vượt qua nguy cơ chiến tranh thương mại: Nhìn từ trường hợp Việt Nam, https://thesaigontimes.vn, ngày 15-02-2025.

9 Nợ công năm 2024 dự kiến hơn 4 triệu tỷ đồng, https://baohaiduong.vn, ngày 13-10-2024.

10 Bảo Ngọc, Nợ xấu nội bảng khoảng 734 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3% trong năm 2024, https://tapchitaichinh.vn, ngày 13-02-2025.

11 Trần Huyền, Dự kiến bội chi ngân sách năm 2024 giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng so dự toán, https://tapchitaichinh.vn, ngày 25-10-2024.

12 Thúy Hà, Xây dựng thương hiệu mạnh để gia tăng giá trị xuất khẩu, https://vov.vn, ngày 29-4-2024.

Nguyễn Nhâm

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ