Cân nhắc kỹ lưỡng việc thành lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực
Việc thành lập Tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế…
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 26/5/2025, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật, đồng thời nhận thấy, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND) các cấp trong giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên để thống nhất về tên gọi của Tòa án, thẩm quyền của các cơ quan có liên quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thảo luận ở hội trường, các ý kiến góp ý vào quy định về thẩm quyền Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ. Theo quy định của dự thảo Luật, sẽ có Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ tại TAND khu vực. Các ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc thành lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực. Bởi vì, thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này là không lớn, thậm chí tại nhiều tỉnh, thành phố hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm.
Các ý kiến cho rằng, việc thành lập Tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này vẫn thấp. Vì vậy, một số ý kiến đề nghị bố trí Thẩm phán chuyên trách trong Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự đảm nhiệm, không tổ chức thêm tòa chuyên trách.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật trong Kỳ họp này, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã làm rõ một số nội dung liên quan đến tố tụng hành chính, về Tòa phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ, về tổ chức của tòa chuyên biệt trong Trung tâm tài chính quốc tế…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm cao, tập trung vào các nội dung trọng tâm và cơ bản thống nhất với các nội dung sửa đổi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật trong lĩnh vực tư pháp, gồm Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trong đó, các ý kiến đề cập về phân định lại thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, giải quyết yêu cầu phá sản, xem xét lại quyết định của trọng tài thương mại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặt vấn đề thành lập tòa chuyên biệt trong Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam cùng các quy định về chuyển tiếp.
Bên cạnh việc cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội cũng phân tích, đánh giá, góp ý nhiều điều khoản cụ thể, làm sâu sắc thêm và góp ý hoàn thiện dự thảo Luật cả về vấn đề trước mắt và lâu dài, đồng thời đề nghị khẩn trương có văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả sau khi Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để gửi Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo lại đại biểu Quốc hội. Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này.