Trên cơ sở các thông tin, số liệu trong báo cáo, Thống đốc cho rằng Thành phố đã có bước đi đúng hướng, đã tập trung khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng. Bởi tăng trưởng kinh tế của nước ta phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, nên khi cầu nước ngoài giảm khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng sẽ chậm lại và khó thúc đẩy. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Thành phố đã tập trung vào ngành dịch vụ, tập trung số hóa các lĩnh vực thương mại, điện tử và phục hồi phát triển du lịch (đã chấp thuận 16.184 Website/ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố, tích cực tổ chức các đợt kích cầu nội địa.
Năm 2021, Thành phố tổ chức 43 sự kiện, năm 2022 tổ chức 45 sự kiện; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,3%/năm, Quý I/2023 tăng 12,6% - đây là những con số thực hiện rất ấn tượng. Với cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 63% GDP, những giải pháp nêu trên đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố ở mức cao như vậy.
Thống đốc đánh giá, hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố nhìn chung có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố với thị phần chiếm 20% dư nợ tín dụng của toàn quốc; trong đó có tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (có liên kết với vài chục ngành kinh tế), tín dụng đối với các dự án giao thông, qua đó góp phần phát triển hạ tầng giao thông và đô thị, và phát triển kinh tế của Thành phố.
Trong thời gian qua, lãnh đạo Thành phố rất quan tâm tới hoạt động ngân hàng, quan tâm tới việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với chi nhánh NHNN Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về tín dụng, lãi suất.
Tính đến ngày 27/4/2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng 2,93% (thấp hơn không đáng kể so với mức tăng 3,04% của cả nước), nhưng tăng trưởng kinh tế đạt 5,8%. Điều này cho thấy nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế ngoài nguồn vốn tín dụng còn đến từ các nguồn vốn quan trọng khác như đầu tư công, FDI…
Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho biết, đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và có nhiều chỉ đạo. Về phía NHNN đã thực hiện điều tiết tiền tệ hợp lí, đảm bảo thanh khoản dồi dào, các TCTD sẵn sàng nguồn vốn cho vay, ban hành Thông tư cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, để cải thiện tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác từ các bộ, ngành và các địa phương, trong đó có Thành phố Hà Nội. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực bất động sản, khó khăn pháp lí là chủ yếu phải được giải quyết thì các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới phát huy, doanh nghiệp mới chứng minh được có dòng tiền trả nợ theo kì hạn mới.
Về kiến nghị của Thành phố đối với việc nới room tín dụng nhằm cho phép các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện vay vốn để mua nhà, Thống đốc cho rằng thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế - ngay cả trong quý I/2023 khi tín dụng tăng trưởng chậm.
Đối với việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các TCTD quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Những tháng đầu năm, các TCTD không chạm trần tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, với đặc thù tín dụng bất động sản thường có kì hạn dài, số tiền lớn nên khi cấp tín dụng, các TCTD phải cân đối trên cơ sở thực tế huy động vốn và cân đối sử dụng vốn để đảm bảo cấp tín dụng nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền. Với tính chất dài hạn, nguồn vốn cho doanh nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản ngoài vốn tín dụng, cần tăng cường huy động từ các nguồn vốn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp (đây là những vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để phát triển lành mạnh, bền vững).
Theo sbv.gov.vn