Theo Cục An toàn thông tin, chị N.T.H (sinh năm 1979; ở phố Thép Mới, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) có nhận được điện thoại qua video qua Messenger của con trai đang học Đại học ở TP. Hồ Chí Minh đề nghị chuyển hơn 100 triệu đồng để đóng phí đăng ký du học. Vốn là cán bộ ngân hàng đã được tập huấn, chị H đã không làm theo lời đối tượng.
Đối với thủ đoạn trên, ban đầu, các đối tượng thu thập hình ảnh và video: Tìm kiếm hình ảnh, video từ tài khoản mạng xã hội hoặc các nguồn khác của nạn nhân; tạo video giả mạo: Sử dụng công nghệ AI để ghép khuôn mặt và giọng nói, tạo các cuộc gọi video giả mạo người thân/bạn bè; lừa chuyển tiền: Trong cuộc gọi, đối tượng đưa ra lý do cấp bách như tai nạn, nợ tiền, hoặc cần hỗ trợ tài chính, yêu cầu chuyển tiền ngay vào tài khoản do chúng cung cấp.
Vào dịp cuối năm, thủ đoạn lừa đảo như trên sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân khi nhận được điện thoại trước tiên phải xác minh thông tin, gọi lại trực tiếp cho người thân qua số điện thoại đã biết để kiểm tra thông tin. Không vội vàng chuyển tiền theo yêu cầu trong cuộc gọi video hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, người dân cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hạn chế đăng tải hình ảnh, video cá nhân và thông tin nhạy cảm. Điều chỉnh quyền riêng tư để hạn chế người lạ truy cập tài khoản của bạn. Đồng thời, cảnh giác với các tài khoản lạ hoặc dấu hiệu bất thường.
Nếu tài khoản của người thân hoặc bạn bè có dấu hiệu bị hack, thông báo ngay cho họ và tránh tương tác. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Minh Ngọc