Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị chức năng và Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) để đánh giá tình hình, kết quả công tác QLTT 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024.
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng. Nguồn ảnh: UBND tỉnh Cao Bằng |
Theo báo cáo của Tổng cục QLTT, 8 tháng đầu năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Từ 15/12/2023 – 22/8/2024, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 50,4 nghìn vụ, phát hiện, xử lý hơn 35,5 nghìn vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng. Lực lượng QLTT cả nước thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng.
Cục QLTT tỉnh Cao Bằng thông tin, trong 8 tháng đầu năm, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra 642 vụ, phát hiện, xử lý 372 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước của lực lượng QLTT tỉnh Cao Bằng đạt hơn 3,8 tỷ đồng; vượt 13% chỉ tiêu đăng ký năm 2024.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương đã tập trung đánh giá tình hình và kết quả đạt được trong công tác QLTT và phòng, chống gian lận thương mại; chỉ rõ những hạn chế, thách thức và kiến nghị, đề xuất một số nhiệm vụ trong thời gian tới liên quan đến công tác quản lý thương mại điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật để phòng ngừa vi phạm; đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân trong các dịp lễ, Tết; quy định trách nhiệm của các đơn vị vận chuyển hàng hóa trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, hạn chế những yếu kém đã chỉ ra, lãnh đạo Tổng cục QLTT và cấp ủy chính quyền các địa phương, ngành Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức tốt, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng cục QLTT và các đơn vị trực thuộc tích cực hơn trong tham mưu Chính phủ và Bộ, ngành ban hành cơ chế chính sách đảm bảo đồng bộ thực thi nhiệm vụ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lực lượng QLTT.