Tuần giao dịch vừa qua (25-29/09/2023), hai chỉ số thị trường chứng kiến tuần giảm mạnh thứ ba liên tiếp. Cụ thể, VN-Index giảm 3,26% so với tuần trước, kết thúc tuần với 1.154,15 điểm. Còn HNX-Index giảm 2,8%, về mức 236,35 điểm. Thanh khoản trên cả 2 sàn lại có diễn biến trái ngược nhau. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE giảm 16,2% so với tuần trước, còn gần 852 triệu cp/phiên. Ngược lại, thanh khoản bình quân trên sàn HNX tăng 2%, lên hơn 116,3 triệu cp/phiên.
Tuần qua (25-29/09/2023), thị trường đón nhận nhiều thông tin trong nước nổi bật như việc Tổng cục Thống kê đã công bố GDP Việt Nam trong quý 3/2023 ước tính tăng 5.33% so với cùng kỳ, có xu hướng tích cực khi quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%. GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà Nước tiếp tục phát hành tín phiếu trong tuần nâng mức đã phát hành lên 70.000 tỷ đồng. Ngoài ra, FTSE tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán.
Trở lại với mức độ ảnh hưởng, nguyên nhân chính dẫn đến sự tiêu cực của VN-Index trong tuần qua (25-29/09/2023) vẫn là bộ đôi nhóm cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC và VHM – khi 2 cổ phiếu này đã lấy đi của chỉ số chính 5,5 điểm. Đây cũng là hai mã chứng khoán dẫn đầu cả sàn về mức kéo giảm.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm này góp mặt 3 cổ phiếu nằm trong top 10 cổ phiếu tiêu cực nhất tuần, gồm VCB, BID và CTG. Số cổ phiếu này khiến chỉ số mất đi gần 6,5 điểm. Trong đó, VCB là cổ phiếu tiêu cực thứ ba cả sà sau khi kéo giảm 2,5 điểm.
Phía bên kia, cổ phiếu VPB là đại diện duy nhất của nhóm ngân hàng góp mặt trong top 10 cổ phiếu tích cực nhất tuần và đồng thời dẫn đầu cả sàn về mức kéo tăng với hơn 0,8 điểm.
Ngoài ra, cổ phiếu đầu ngành của một số nhóm cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index tuần qua. Cụ thể, GVR của nhóm cao su kéo giảm 2,2 điểm; SAB và VNM của nhóm thực phẩm - đồ uống lấy mất lần lượt 1,9 điểm và 1,7 điểm; HPG của nhóm thép kéo giảm 1,4 điểm; FPT của nhóm công nghệ làm giảm 1,2 điểm.
Ở rổ VN30, nhóm kéo giảm áp đảo khi có đến 25 cổ phiếu tham gia nhóm này, còn lại 5 cổ phiếu ở nhóm kéo tăng. Dẫn đầu nhóm kéo giảm là hai cổ phiếu FPT và STB với hơn 4,2 điểm mỗi mã. Ngược lại, dẫn đầu nhóm kéo tăng là VPB với gần 2,3 điểm, gấp 2,7 lần cổ phiếu xếp sau là MSN kéo tăng 0,8 điểm.
Đối với HNX-Index, CEO là nguyên nhân chính khiến chỉ số giảm điểm trong tuần qua khi lấy mất 0,5 điểm, xếp sau là SHS kéo giảm 0,3 điểm. Trong khi đó, trụ đỡ chính tuần qua là HUT kéo tăng gần 1,3 điểm của chỉ số, PVS xếp sau với 0,6 điểm.
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh, khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng khi trở lại mua ròng mạnh sau 6 tuần liên tiếp trước đó bán ròng. Tuy nhiên lực mua không duy trì lâu khi nhà đầu tư ngoại đã quay lại bán ròng trong hai phiên cuối tuần. Luỹ kế 5 phiên khối ngoại mua ròng 1.077 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn từ 2 - 3 tuần tới, MBS đưa ra 2 kịch bản diễn biến cho VN- Index.
Kịch bản 1 (xác suất 75%), VN-Index sẽ tích lũy quanh khu vực 1.120 -1.140 điểm, trước khi bứt phá ở giai đoạn tiếp theo. Đây là khoảng thời gian cần thiết để các nhóm cổ phiếu có thể tìm được vùng cân bằng và tạo mặt bằng giá mới, sau giai đoạn tăng mạnh từ giữa năm.
Kịch bản 2 (xác suất 25%), VN-Index sẽ di chuyển chậm chạp, tăng dần đều để kiểm nghiệm lại đường MA50 ngày (quanh vùng giá 1.195 - 1.205 điểm), sau đó tích lũy quanh ngưỡng này.
Những yếu tố rủi ro tác động đến chứng khoán Việt Nam mà nhà đầu tư cần quan sát là áp lực tỷ giá và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
Nhận định chứng khoán tuần 2-6/10: Cân nhắc lướt sóng T+ với tỷ trọng nhỏ Lực cầu xuất hiện thưa thớt cho thấy nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng trước diễn biến rung lắc mạnh của thị trường ... |
Giám đốc phân tích MSVN: VN-Index có thể lên 2.300 - 2.500 điểm nếu TTCK được nâng hạng Nếu thị trường được nâng hạng, tăng trưởng EPS của VN-Index có thể đạt các mức dự phóng 4%, 20% và 15% cho các năm ... |
Còn nhiều yếu tố "níu chân" dòng vốn ngoại ở lại với TTCK Việt Nam Điểm tích cực của thị trường chứng khoán trong những ngày "đỏ lửa" gần đây là giao dịch mua ròng của khối ngoại. Tuy nhiên ... |
Nguyên Nam