Cập nhật giá cà phê hôm nay 18/7: Đắk Lắk tăng mạnh, tiến sát mốc kỷ lục

18/07/2025 - 09:41
(Bankviet.com) Giá cà phê hôm nay (18/7) tại thị trường nội địa ghi nhận mức tăng nhẹ từ 800 – 900 đồng/kg. Trong khi đó, thị trường thế giới biến động trái chiều.
Hàng hóa - Giá cả

Cập nhật giá cà phê hôm nay 18/7: Đắk Lắk tăng mạnh, tiến sát mốc kỷ lục

Thu Thủy 18/07/2025 08:58

Giá cà phê hôm nay (18/7) tại thị trường nội địa ghi nhận mức tăng nhẹ từ 800 – 900 đồng/kg. Trong khi đó, thị trường thế giới biến động trái chiều.

giá cà phê hôm nay
Giá cà phê hôm nay tăng đồng loạt

Cà phê nội địa tăng 800 – 900 đồng/kg

Thị trường cà phê trong nước ngày 18/7 tiếp tục khởi sắc khi giá thu mua tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt điều chỉnh tăng. Theo ghi nhận:

Cà phê Lâm Đồng: 92.500 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với hôm qua

Cà phê Đắk Lắk: 92.500 đồng/kg, tăng 900 đồng/kg

Cà phê Gia Lai: 92.300 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg

Phường 1 Bảo Lộc, xã Hòa Ninh, Đức Trọng, Đinh Văn (Lâm Hà): 92.000 đồng/kg

Mức giá hiện dao động trong khoảng 92.000 – 92.500 đồng/kg, trở lại vùng đỉnh sau vài phiên giảm nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lo ngại thời tiết khô hạn kéo dài tại Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới – có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ tới.

Arabica tăng mạnh, Robusta điều chỉnh giảm

Trên thị trường thế giới, giá cà phê diễn biến phân hóa mạnh giữa hai sàn:

Sàn London (Robusta):

Hợp đồng tháng 9/2025: 3.300 USD/tấn, giảm 127 USD (-3,71%)

Hợp đồng tháng 11/2025: 3.268 USD/tấn, giảm 128 USD (-3,77%)

Sàn New York (Arabica):

Hợp đồng tháng 9/2025: 304,75 US cent/pound, tăng 3,7 cent (+1,2%)

Hợp đồng tháng 12/2025: 297,05 US cent/pound, tăng 3,85 cent (+1,28%)

Đáng chú ý, giá cà phê arabica tăng mạnh trở lại sau nhiều ngày điều chỉnh, nhờ động lực từ việc các doanh nghiệp Brazil tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ trước khi mức thuế nhập khẩu 50% có hiệu lực từ 1/8/2025.

Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, với hơn 33% lượng tiêu dùng đến từ Brazil. Việc áp thuế mới có thể gián đoạn dòng chảy thương mại, gây biến động lớn trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, số liệu từ Cecafe (Brazil) cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 6 giảm mạnh:

Tổng lượng xuất khẩu: 2,3 triệu bao (giảm 31% so với cùng kỳ)

Arabica: 1,82 triệu bao (giảm gần 27%)

Robusta: 476.000 bao (giảm tới 42%)

Tính cả niên vụ 2024–2025, Brazil đã xuất khẩu hơn 41 triệu bao cà phê, giảm 5,4% so với vụ trước, dù tổng doanh thu xuất khẩu vẫn đạt kỷ lục 14,7 tỷ USD nhờ giá cao.

Trong khi arabica bứt phá, giá cà phê robusta chịu áp lực điều chỉnh sau thông tin Mỹ và Indonesia đạt thỏa thuận thương mại, áp dụng mức thuế nhập khẩu cà phê thô 19% thay vì 32% như dự kiến ban đầu.

Theo báo cáo từ USDA, Indonesia đã xuất khẩu khoảng 726.000 bao cà phê thô sang Mỹ trong 12 tháng qua, duy trì vị thế là nguồn cung quan trọng. Đây được xem là động thái giúp Indonesia tiếp tục cạnh tranh hiệu quả với Brazil trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.

Rủi ro tăng cao trước thời điểm Mỹ áp thuế

Giới phân tích cho rằng thị trường cà phê toàn cầu đang bước vào giai đoạn nhạy cảm, khi các chính sách thuế, thời tiết và chuỗi cung ứng quốc tế đều có những biến động lớn.

“Nếu Mỹ áp thuế 50% với cà phê từ Brazil, áp lực lên nguồn cung nội địa Mỹ sẽ rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm nguồn thay thế, đồng thời khiến giá cà phê toàn cầu có thể tăng mạnh từ tháng 8 trở đi”, chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định.

Trong khi đó, thời tiết khô hạn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng mùa vụ tại Brazil – yếu tố hỗ trợ giá trong trung và dài hạn.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán