Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn báo cáo ngành vận tải biển Q1/2023 của công ty chứng khoán Mirae Asset, cụ thể:
Kim ngạch xuất nhập khẩu và sản lượng thông quan suy giảm
Trong 4 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất nhập khẩu ghi nhận sụt giảm, ước đạt 210,7 tỷ USD (-13,6% CK). Trong đó, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 108,5 tỷ USD (-11,8% CK) và 102,2 tỷ USD (-15,4% CK). Giá trị xuất nhập khẩu liên tục giảm từ đầu năm 2023 phản ánh sự suy yếu về tiêu dùng ở các thị trường chính. Giá trị xuất khẩu hàng hóa trong Q1 sang các thị trường chính như Mỹ (-20,9% CK), Nhật (đi ngang), Hàn Quốc (-6,5% CK), Trung Quốc (-16,4% CK), Canada (-21,4% CK) hầu hết đi lùi, trái ngược với tốc độ tăng trưởng cao trong cùng kỳ 2022. Giá trị xuât khẩu tăng trưởng âm ở các mặt hàng chủ lực như: Điện tử, máy tính và linh kiện (- 8,9% CK), điện thoại (-17,3% CK), máy móc thiết bị (-5,9% CK), dệt may (-19,3% CK), hiày dép (-16,3% CK), Gỗ và sản phẩm gỗ (-31,3% CK). Riêng Phương tiện vận tải (+12,8% CK) ghi nhận tăng trưởng tốt.
Cùng với đó, sản lượng thông quan cảng biển cũng ghi nhận giảm đáng kể. Trong Q1 2023, tổng khối lượng thông quan cảng biển Việt Nam ước đạt 165,2 triệu tấn (-8,0% CK). Trong đó, khối lượng hàng xuất khẩu ước đạt 42,5 triệu tấn (-7,5% CK), hàng nhập khẩu: 48,8 triệu tấn (-4,8% CK), hàng nội địa: 73,5 triệu tấn (-10,3% CK), hàng quá cảnh: 375 nghìn tấn (-6,9% CK). Xét về sản lượng container, tổng KL ước đạt 5,2 triệu TEU (-17,6% CK). Trong đó, sản lượng container xuất khẩu ước đạt 1,8 triệu TEU (- 12,7% CK), nhập khẩu: 1,7 triệu TEU (-21,4% CK), Nội địa: 1,7 triệu TEU (-18,2% CK).
Tăng trưởng khối lượng thông quan. Nguồn: Mirae Asset. |
Hoạt động sản xuất yếu đi: FDI giảm tốc
Hoạt động sản xuất thể hiện tín hiệu yếu đi trong 4T 2023 khi chỉ số PMI liên tục ở dưới mức 50 cùng với IIP hầu như không ghi nhận tăng trưởng trong T4. Chỉ số sử dụng lao động công nghiệp (LEI) 4T 2023 suy giảm 3,5% CK. Bên cạnh đó, tăng trưởng về số dự án và vốn đầu tư FDI Công nghiệp chậm lại. Trong 4T 2023, tổng số dự án lũy kế mặc dù tăng 3,2% CK, đạt 16.149 DA nhưng tổng vốn chỉ đạt 265,5 tỷ USD, tăng 5,6% CK, mức tăng thấp nhất từ năm 2019. Quy mô vốn/DA tăng nhẹ lên mức 16,4 triệu USD/DA.
Các chỉ số niềm tin tiêu dùng ở các thị trường chính hầu như không thay đổi và tiếp tục ở mức thấp trong 4T 2023 mặc dù các TT vẫn ghi nhận tăng trưởng GDP thực. Người tiêu dùng lo ngại suy thoái kinh tế và tâm lý hạn chế chi tiêu nhiều khả năng sẽ tác động đến nhu cầu XNK hàng hóa và sản lượng thông quan ảm đạm trong năm 2023.
KQKD Q1: Biên lợi nhuận suy giảm
Sự yếu đi của hoạt động XNK được phản ánh rõ rệt trong kết quả kinh doanh Q1/2023 của các công ty cảng biển niêm yết chủ chốt. Cụ thể, các công ty có hoạt động chính là khai thác cảng như CTCP Gemadept (GMD), CTCP CTCP Container Việt Nam (VSC), CTCP Cảng Đình Vũ (DVP) ghi nhận doanh thu thay đổi không đáng kể và biên lợi nhuận hoạt động sụt giảm, kéo theo suy giảm mạnh lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ (trừ DVP do có thu nhập bất thường). Sản lượng chung suy giảm làm gia tăng sự cạnh tranh giá ở các cụm cảng biển, tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận. Đối với những công ty hoạt động chủ yếu ở mảng vận tải biển như CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), áp lực từ sản lượng suy giảm cùng với giá vận tải biển trở về mức thấp giai đoạn 2011-2019 sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong các quý tiếp theo của 2023.
Chỉ số cổ phiếu ngành cảng biển và logistics. Nguồn: Mirae Asset. |
Mặc dù tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong Q1/2023, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn có thể kì vọng vào sự phục hồi của nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới. Hiện tại, giá cổ phiếu của nhóm vận tải biển đang có sự hồi phục đáng kể so với vùng giá đáy tháng 11/2022, điển hình là cổ phiếu HAH.
Góc nhìn đa chiều