Ngày 05/11/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo Phổ biến kết quả nghiên cứu Đề tài Khoa học - Công nghệ: “Nghiên cứu áp dụng nhóm chuẩn mực kế toán quốc tế về hợp nhất kinh doanh và báo cáo tài chính hợp nhất tại các công ty niêm yết của Việt Nam”. TS. Đào Nam Giang - Phó Trưởng Phòng kiêm Trưởng ban Ban Biên tập Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng, Học viện Ngân hàng là Chủ nhiệm Đề tài. Dự và chủ trì Hội thảo có PGS., TS. Chu Khánh Lân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng. Tham dự Hội thảo còn có đại diện một số đơn vị thuộc NHNN; các tổ chức tín dụng (TCTD); công ty niêm yết và công ty kiểm toán; cơ sở đào tạo, đơn vị nghiên cứu, tổ chức có liên quan; các thành viên nhóm nghiên cứu.
Tại Hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đào Nam Giang - Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày tóm tắt các nội dung chính của nghiên cứu theo đặt hàng của NHNN, gồm: (i) Làm rõ các nội dung cơ bản trong các chuẩn mực kế toán quốc tế liên quan đến hợp nhất kinh doanh và báo cáo tài chính hợp nhất; (ii) Xác định các vấn đề có thể phát sinh khi áp dụng chuẩn mực này cho các công ty niêm yết ở Việt Nam; (iii) Khuyến nghị, giải pháp để áp dụng các chuẩn mực liên quan trực tiếp đến hợp nhất kinh doanh và báo cáo tài chính hợp nhất tại các công ty niêm yết tại Việt Nam. Bên cạnh đó, từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu gợi mở các khả năng đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế.
TS. Đào Nam Giang - Chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo
Đề tài nghiên cứu có bố cục 3 chương, gồm: (1) Hợp nhất kinh doanh và lập báo cáo tài chính hợp nhất theo chuẩn mực kế toán quốc tế; (2) Hợp nhất kinh doanh và lập báo cáo tài chính hợp nhất tại các công ty niêm yết của Việt Nam và việc áp dụng nhóm chuẩn mực kế toán quốc tế về hợp nhất; (3) Thảo luận kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị về việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) liên quan đến hợp nhất kinh doanh và báo cáo tài chính hợp nhất tại các công ty niêm yết ở Việt Nam.
Cách tiếp cận và xây dựng khung nghiên cứu của Đề tài gồm 6 bước: (i) Tổng hợp một số hướng dẫn của IFRS liên quan trực tiếp đến hợp nhất kinh doanh và hợp nhất báo cáo tài chính; (ii) Rà soát quá trình ban hành, sửa đổi, cập nhật các nhóm chuẩn mực này để xác định những vấn đề thay đổi chính so với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS); các khó khăn có thể phát sinh khi áp dụng trong thực tế; (iii) Khảo sát về các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam và vai trò của kế toán hợp nhất kinh doanh và lập báo cáo tài chính hợp nhất tại các doanh nghiệp niêm yết; khung pháp lý và các sai sót thường gặp trong lập, trình bày báo cáo tài chính hợp nhất; (iv) Khảo sát về sự sẵn sàng, những khó khăn, thuận lợi của các công ty niêm yết khi áp dụng IFRS nói chung; (v) Khảo sát những vấn đề kỹ thuật có thể vướng mắc liên quan trực tiếp đến IFRS về hợp nhất kinh doanh và hợp nhất báo cáo tài chính hợp nhất; (vi) Phân tích các kết quả khảo sát, kết hợp với những kinh nghiệm quốc tế để đưa ra khuyến nghị về mặt chính sách và các bên có liên quan.
Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã thảo luận một số kết quả thu được như sau: Thứ nhất, cần có nghiên cứu khảo sát theo các góc độ khác nhau để đánh giá đúng hơn về mức độ sẵn sàng của việc áp dụng IFRS hay Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS) tại Việt Nam. Theo một số khảo sát của Deloitte trước đây cũng như khảo sát lần 1 của nhóm nghiên cứu, tỉ lệ các công ty niêm yết và các bên liên quan khẳng định sẵn sàng cho việc áp dụng các IFRS/IAS rất cao. Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát lần 2, tập trung vào nhóm chuẩn mực liên quan đến hợp nhất kinh doanh và hợp nhất báo các tài chính thì tỉ lệ trả lời sẵn sàng lại rất thấp (dưới 50%). Thứ hai, các công ty niêm yết và các bên liên quan cần chú trọng vào các vấn đề cụ thể, phức tạp hơn khi xem xét, đánh giá tác động cũng như mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp với IFRS; Thứ ba, quan điểm tiếp cận của một số bên liên quan trong triển khai các chuẩn mực đang tập trung quá mức vào những kỹ thuật hạch toán và hợp nhất, không có sự đánh giá, kết nối, tổng hợp giữa các chuẩn mực có liên quan, chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề tác động đến động cơ người làm báo cáo hoặc các vấn đề liên quan đến khả năng thao túng số liệu. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính tuân thủ khi áp dụng các chuẩn mực và chất lượng thông tin sau khi áp dụng các chuẩn mực, đặc biệt, khi các vấn đề này tồn tại trong cách tiếp cận của cơ quan quản lý, giám sát hoạt động của công ty niêm yết. Thứ tư, trình độ nguồn nhân lực vẫn là một rào cản lớn cho việc áp dụng IFRS nói chung và các chuẩn mực liên quan đến hợp nhất kinh doanh và hợp nhất báo cáo tài chính. Do đó, cần có sự điều chỉnh lớn đối với công tác đào tạo trong các trường đại học cũng như đào tạo tại các công ty niêm yết, không chỉ về nội dung của các chuẩn mực mà còn cả về các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, các yếu tố thuộc môi trường kế toán có ảnh hưởng đế khả năng xét đoán nghề nghiệp và động cơ của người làm báo cáo hay nhà quản lý doanh nghiệp.
Dựa trên kết quả thu được, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đào Nam Giang đã đưa ra một số khuyến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có liên quan như sau: Một là, cần tăng cường vai trò và chất lượng kiểm toán. Hai là, cần có lộ trình rõ ràng cho việc áp dụng IFRS nói chung và các IFRS liên quan đến hợp nhất báo cáo tài chính và hợp nhất kinh doanh. Ba là, tăng cường giám sát để nâng cao tính hiệu lực và tuân thủ khi áp dụng IFRS nói chung và các IFRS liên quan đến hợp nhất. Bốn là, chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học và đào tạo liên tục nghiệp vụ này. Năm là, chú ý tới vai trò của các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong thực hành kế toán - kiểm toán.
PGS., TS. Chu Khánh Lân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS., TS. Chu Khánh Lân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, nội dung nghiên cứu không chỉ mang tính chất kỹ thuật mà còn rất phức tạp, có liên quan đến khả năng kiểm soát của quốc gia và những vấn đề khác. Bên cạnh đó, nó tác động đến cả những yếu tố rất nhỏ trong doanh nghiệp, chẳng hạn như chi phí, vấn đề nhân sự hoặc những yếu tố mang tính chất toàn bộ ngành kế toán - kiểm toán, không chỉ giới hạn ở những vấn đề cụ thể mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau. Đặc biệt, PGS., TS. Chu Khánh Lân nhấn mạnh, với ngành Ngân hàng, các yếu tố liên quan đến kế toán và kiểm soát cần được nghiên cứu một cách cẩn thận vì các yếu tố này luôn có tính thời sự. Theo đó, các đơn vị liên quan sẽ dựa trên nghiên cứu này để chuẩn bị những báo cáo chiến lược, từ đó, dự báo và đề xuất các giải pháp phù hợp cho việc áp dụng chuẩn mực liên quan đến hợp nhất kinh doanh và hợp nhất báo cáo tài chính.
Toàn cảnh Hội thảo
Minh Châu