Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030

25/08/2022 - 23:11
(Bankviet.com) Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đếnnăm 2030.

Thông điệp của Thủ tướng: Kịp thời, đúng hướng để xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,5% hoàn toàn có cơ sở

Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư khoá X, công tác ngoại giao kinh tế đã có chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế chưa đầy đủ; ngoại giao kinh tế chưa theo kịp tình hình và yêu cầu phát triển đất nước, chưa gắn kết chặt chẽ với ngoại giao về quốc phòng, an ninh, văn hoá - xã hội để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Quan hệ kinh tế với một số đối tác quan trọng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đan xen lợi ích chưa thật sự sâu sắc và phát huy hiệu quả thực chất; nguồn lực bên ngoài chưa gắn kết với nguồn lực trong nước. Công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về ngoại giao kinh tế có lúc, có nơi chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp trong kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế còn bất cập, hiệu quả chưa cao.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đường lối đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế.

2. Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác. Với các đối tác quan trọng, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện phải chủ động, tích cực tạo lập, hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác, gắn kết chặt chẽ quan hệ chính trị, đối ngoại với hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hoá, giáo dục và khoa học - công nghệ... Tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, qua đó củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước. Việc giải quyết vướng mắc trong quan hệ kinh tế với các đối tác phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, hài hoà với lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tác. Nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò, thúc đẩy sáng kiến của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn kinh tế quốc tế và những vấn đề quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể của ta. Chủ động đóng góp vào tiến trình cải tổ, nâng cao hiệu quả các tổ chức quản trị kinh tế toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế quốc tế.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Thực thi và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, chủ động xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện các cam kết, giảm thiểu tối đa thiệt hại, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tham gia có chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế; đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do phù hợp với ưu tiên và lợi ích của ta. Tích cực vận động, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Chủ động mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học - công nghệ, thu hút nguồn lực bên ngoài cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ; thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tham gia hiệu quả vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường, đối tác, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; chủ động, tích cực tham gia và củng cố vững chắc vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả viện trợ của Việt Nam cung cấp cho nước ngoài, bảo đảm thống nhất, minh bạch, thiết thực, phù hợp với tiềm lực đất nước, phục vụ các lợi ích an ninh - phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

4. Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế. Tập trung hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường quốc tế, tiếp cận các nguồn vốn gắn với công nghệ cao, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, sản xuất khu vực và toàn cầu. Hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường trong nước phù hợp với các cam kết và luật pháp quốc tế. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá phương thức, phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại - đầu tư. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đối ngoại trong thẩm định, xử lý vướng mắc trong các dự án quan trọng có yếu tố nước ngoài hoặc nhạy cảm về đối ngoại.

5. Tăng cường theo dõi, nắm chắc, cập nhật kịp thời, hiệu quả thông tin, tình hình kinh tế thế giới; nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm phát triển của các nước, luật pháp và tập quán kinh tế quốc tế, nhạy bén phát hiện các xu hướng, mô hình phát triển mới. Tích cực mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, tư vấn kinh tế quốc tế có uy tín để có nguồn thông tin chính xác, chất lượng phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương cần gắn kết, trao đổi thông tin với người dân, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

6. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân tại các diễn đàn kinh tế đa phương. Nâng tầm quan hệ đối ngoại với các chính đảng, các đảng cầm quyền, các tổ chức nhân dân của các nước, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, tạo thuận lợi cho công tác ngoại giao kinh tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hoá, quốc phòng - an ninh; giữa song phương và đa phương; giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai ngoại giao kinh tế.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp về đạo đức, bản lĩnh chính trị, kiến thức, năng lực, trình độ, kỹ năng về ngoại giao kinh tế, kinh tế quốc tế, pháp luật quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế... Bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của ngoại giao kinh tế.

7. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập quán triệt Chỉ thị cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp; lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động ngoại giao kinh tế.

Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với ban cán sự đảng các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch ngoại giao kinh tế trong từng giai đoạn; chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán