Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035: Nhiều nhiệm vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng

07/05/2025 - 22:32
(Bankviet.com) Ngày 22/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 806/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035.

Mục tiêu đặt ra của Chiến lược là ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai, bao gồm:

(1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí;

(2) Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả;

(3) Quản lý, sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực, tài lực hiệu quả, tăng cường tính bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng;

(4) Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp;

(5) Tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém;

(6) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ việc lãng phí;

(7) Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân trong phòng, chống lãng phí;

(8) Tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.

Đối với việc giải quyết các ngân hàng thương mại yếu kém, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022; tập trung vào việc cơ cấu lại xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi, không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới. Nhiệm vụ này được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành trong năm 2025.

Bên cạnh việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, đối với lĩnh vực ngân hàng, Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035 cũng đặt ra nhiệm vụ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng đầu tư của Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tín dụng đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, qua đó hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư hạ tầng, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tại Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động huy động, quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực. Việc xử lý rủi ro tín dụng cũng được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; gắn trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng vay vốn và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cho vay, thu hồi và xử lý nợ vay

N.C.H

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ