Vàng tăng sốc, phá mốc 65 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước hôm nay lập đỉnh lịch sử, phá mốc 65 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm 15h chiều hôm nay, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 64,7 – 65,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), lần lượt tăng 1,4 triệu đồng đồng/lượng và 1,5 triệu đồng/lượng so với cuối phiên hôm qua.
Tương tự, tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, giá vàng SJC cũng tăng 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 64,7 - 65,4 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến 15h chiều năng tăng 530.000 đồng/lượng chiều mua vào và 930.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 54,66 – 55,511 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng ở mức 64,3 – 64,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Căng thẳng địa chính trị leo thang kết hợp với áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng đã hỗ trợ rất nhiều cho việc định giá vàng. Vàng tiếp tục tìm thấy hỗ trợ ở mức 1900 USD/ounce. Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ tăng 10,4 USD/ounce lên 1.908,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2022 trên sàn Comex New York tăng 3 USD lên 1.910,4 USD/ounce.
Sang phiên châu Á hôm nay, giá vàng tiếp tục tăng vọt và có thời điểm vọt lên sát mốc 1.950 USD/ounce, khi Ukraine tuyên bố, thủ đô Kiev và một số thành phố đã bị tấn công bằng tên lửa, tuy nhiên đã điều chỉnh ngay sau đó, mức giá trong phiên chiều nay ghi nhận 1.943,10 USD/ounce.
Lực cầu bắt đáy cản đà lao dốc của chứng khoán
Khoảng 10h sáng nay (theo giờ Việt Nam) Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở đông Ukraine khiến thị chứng khoán toàn cầu rung chuyển trong phiên ngày hôm nay, chứng khoán Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Sau khi hạn chế được đà giảm trong phiên sáng nhờ nhóm dầu khí và một số mã lớn, VN-Index đã lao dốc mạnh ngay khi bước vào phiên chiều khi có lúc giảm 37 điểm xuống vùng 1.475 điểm trước tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine. Tâm lý hoảng loạn khiến VN-Index lao dốc, tuy nhiên diễn biến này không kéo dài khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã nâng đỡ thị trường trong nửa cuối phiên.
Đến cuối phiên, chỉ số chỉ còn giảm 17,5 điểm và giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết tới trên 38.900 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. VN-Index kể từ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán chỉ giao dịch bình quân ở mức 15.000 - 23.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với mức 30.000 - 40.000 tỷ/phiên thời kỳ cuối năm 2021.
Lực cản mạnh khiến các bluechip chỉ còn lại vỏn vẹn 5 mã tăng giá. Nhóm trụ cột ngân hàng yếu thế VPB và EIB hồi kịp sau phiên giảm sâu chiều qua, trong khi còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Diễn biến trên cũng được nhìn thấy ở nhóm chứng khoán.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì sắc xanh trong phiên hôm nay khi giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng lên mức cao nhất 8 năm, với hai mã tiêu biểu là GAS và PLX.
Trong khi đó, nhóm phân bón không chỉ duy trì đà tăng mà thậm chí còn bật hơn phiên hôm qua với sắc tím gần như bao trùm cả nhóm với sự dẫn dắt của hai tên tuổi DCM và DPM, BFC yếu nhất cũng tăng 5,4%.
Mặc dù thị trường bị bán rất mạnh, cổ phiếu giảm sâu hàng loạt nhưng vẫn có 12 mã tăng kịch trần. Tiêu biểu là DXG với thanh khoản đạt 992,1 tỷ đồng và DPM đạt 784,2 tỷ đồng. Nhóm tăng trần còn lại có thể kể tới DCM, FRT, ASP, AGM, PGC, BMC.
Đóng cửa, sàn HOSE có 75 mã tăng và 396 mã giảm, VN-Index giảm 17,45 điểm (-1,15%), xuống 1.494,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.159,9 triệu cổ phiếu, giá trị 35.020,4 tỷ đồng, tăng 67% về khối lượng và 56% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,8 triệu đơn vị, giá trị 955,6 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, lực bán cũng gia tăng mạnh ngay đầu phiên chiều và nỗ lực bật lên sau đó giúp chỉ số hãm bớt đà giảm khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 64 mã tăng và 185 mã giảm, HNX-Index giảm 7,66 điểm (-1,73%), xuống 434,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 158,8 triệu đơn vị, giá trị 4.741,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,55 triệu đơn vị, giá trị 179,3 tỷ đồng.
Trên UPCoM, diễn biến tương tự hai chỉ số chính, khi UPCoM-Index lùi sâu ngay khi bước vào phiên chiều và nhích dần lên sau đó, thu hẹp đà giảm khi đóng cửa.
Hai cổ phiếu dầu khí BSR và OIL được chú ý nhất, khi cả hai mã này lần lượt tăng 2,5% lên 28.500 đồng và 4,6% lên 20.500 đồng, trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất UPCoM với 24,6 triệu đơn vị, OIL khớp 8,66 triệu đơn vị.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (-1,05%), xuống 112,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 115,3 triệu đơn vị, giá trị 2.424,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,3 triệu đơn vị, giá trị 206 tỷ đồng.
Quỳnh Dương
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ