Trả lời phỏng vấn hãng tin ABC News, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố hiện không có bất kỳ hy vọng nào về giải pháp hòa bình giải quyết xung đột tại Dải Gaza trong tương lai gần.
Người đứng đầu Chính phủ Israel lưu ý thỏa thuận hòa bình với Palestine vẫn còn rất xa vời. Phía Palestine muốn thành lập nhà nước và có quyền quản lý các vùng đất, nhưng họ không nên gây ra mối đe dọa đối với Israel.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh cái gọi là giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine-Israel sẽ đòi hỏi những gì. Ông kết luận, việc kiểm soát an ninh ở các vùng lãnh thổ phía tây sông Jordan và Dải Gaza hiện phải “nằm trong tay Israel”.
Thành phố Rafah, nơi có cửa khẩu giao Ai Cập có thể là mục tiêu mới của Israel tại Dải Gaza. Ảnh: Reuters |
Trước đó, chính giới Mỹ đã nói về mối bất hòa giữa ông Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Dải Gaza. Theo The Washington Post, Washington không còn coi người đứng đầu chính phủ Israel là một đối tác hữu ích trong khu vực Cận Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, Israel sẽ mở hành lang để giúp người dân ở Rafah sơ tán an toàn trước khi mở chiến dịch ở thành phố.
"Chiến thắng đang trong tầm tay. Chúng ta sẽ xóa sổ các tiểu đoàn còn sót lại của Hamas tại Rafah, thành trì cuối cùng của nhóm", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong cuộc phỏng vấn công bố ngày 10/2, đề cập thành phố ở cực nam Dải Gaza.
Thủ tướng Israel cam kết thiết lập hành lang an toàn để người dân Palestine ở Rafah có thể sơ tán trước khi quân đội Israel mở chiến dịch tấn công thành phố. Ông cho rằng khu vực phía Bắc Rafah, nơi quân đội Israel đã kiểm soát, có thể được dùng làm khu vực trú ẩn cho người dân.
"Chúng tôi đang vạch ra kế hoạch chi tiết để thực hiện điều đó. Chúng tôi không xao nhãng việc này", ông Benjamin Netanyahu nhấn mạnh.
Thủ tướng Israel trước đó chỉ đạo Quân đội Israel trình lên nội các "kế hoạch kép", kết hợp đưa người dân rời khỏi Rafah và xóa sổ toàn bộ các tiểu đoàn Hamas ở trong thành phố. Tel Aviv hiện tập trung lực lượng ở thành phố Khan Younis, nhưng một số đơn vị đã được điều xuống phía Nam dải đất.
Kế hoạch mở chiến dịch trên bộ nhằm vào Rafah của Israel làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra thương vong lớn về dân thường, trong bối cảnh có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang tập trung ở thành phố này sau khi chạy nạn khỏi các vùng khác ở Dải Gaza.
Ông Josep Borrell, Lãnh đạo Ủy ban đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo tấn công vào Rafah có thể dẫn tới "thảm họa nhân đạo không thể diễn tả", trong khi Hamas cho rằng hàng chục nghìn người tại thành phố sẽ thiệt mạng hoặc bị thương nếu Israel kiên quyết mở chiến dịch.
Mỹ, quốc gia hậu thuẫn Israel mạnh mẽ nhất, cũng tuyên bố không ủng hộ phương án đưa quân vào Rafah. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi các động thái quân sự của Israel tại Dải Gaza là "vượt quá giới hạn", đánh dấu chỉ trích gay gắt nhất của Washington với Tel Aviv từ khi xung đột bùng phát tháng 10/2023.
Quân đội Israel hiện tại liên tục không kích thành phố nhằm mở đường cho chiến dịch trên bộ. Cơ quan y tế do Hamas kiểm soát cho biết ít nhất 25 người đã thiệt mạng sau loạt vụ ném bom của quân đội Israel vào Rafah hôm 10/2, trong khi Tel Aviv tuyên bố đã hạ được hai chỉ huy cấp cao của Hamas trong các cuộc không kích.
Israel chưa có dấu hiệu muốn dừng cuộc xung đột tại Dải Gaza. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, các quan chức Ai Cập và phương Tây cho biết, Cairo dọa đình chỉ hiệp ước hòa bình với Tel Aviv nếu Israel tấn công thành phố Rafah.
Hai quan chức Ai Cập và một quan chức ngoại giao phương Tây ngày 11/2 cho biết, nước này đe dọa đình chỉ Hiệp định Trại David nếu Israel quyết tâm tấn công Rafah.
Hiệp định Trại David là hiệp ước hòa bình mà Ai Cập và Israel ký tháng 9/1978, với Mỹ làm trung gian, được coi là nền tảng cho ổn định trong khu vực trong gần nửa thế kỷ qua.
Xung đột tại Dải Gaza hiện khiến ít nhất 28.064 người thiệt mạng và 67.611 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, theo giới chức y tế địa phương.
KIm Ngân