Chiến sự Nga-Ukraine 1/8/2024: Các nước Đông Âu có thể đưa quân tới Ukraine; nhiều người sẵn sàng đàm phán với Nga

02/08/2024 - 01:56
(Bankviet.com) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 1/8/2024: Các nước Đông Âu có thể đưa quân tới Kiev; nhiều người Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày 29/7/2024: Mỹ lo Nga tìm ra điểm yếu của Ukraine; Kiev nêu yếu tố chấm dứt xung đột Chiến sự Nga-Ukraine ngày 30/7/2024: Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân; Tướng Syrsky bị yêu cầu từ chức Chiến sự Nga-Ukraine ngày 31/7/2024: Ukraine mất nhiều quân nhân giàu kinh nghiệm, nhập ngũ khoảng 30 nghìn người mỗi tháng

Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:

Các nước Đông Âu có thể đưa quân tới Ukraine

Ông Alexander Vindman, cựu Giám đốc các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, các nước Đông Âu có thể gửi quân tới Ukraine nếu Mỹ từ chối cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang Nga.

"Bạn có thể thấy một kịch bản trong đó các nước láng giềng của Ukraine gửi quân đội của họ không phải trong NATO mà theo các thỏa thuận song phương. Họ có thể giúp Ukraine giành lợi thế thay vì chiến đấu trên lãnh thổ của chính họ”, ông Vindman nói.

Theo ông Vindman, xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc trên bàn đàm phán trong mọi trường hợp. Đồng thời, chính quyền Ukraine cần đạt được thành công trên chiến trường để củng cố vị thế đàm phán ban đầu của mình.

Nhiều người Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga

Tờ New York Times đưa tin, ngày càng có nhiều người dân Ukraine sẵn sàng đàm phán hòa bình với Nga.

Ngày càng có nhiều người Ukraine vỡ mộng và có vẻ cởi mở với ý tưởng đàm phán hòa bình, mặc dù điều đó vẫn còn mơ hồ”, New York Times viết.

Chiến sự Nga-Ukraine 1/8/2024: Các nước Đông Âu có thể đưa quân tới Ukraine; nhiều người sẵn sàng đàm phán với Nga
Mỹ gặp khó trong việc tìm nguồn viện trợ Ukraine. Ảnh: RIA

Giám đốc điều hành Viện Xã hội học Quốc tế Kiev Anton Grushetsky cho rằng, việc này là do những kỳ vọng của Ukraine về chiến thắng ở mặt trận đã không thành hiện thực vì việc cung cấp viện trợ quân sự của Mỹ bị chậm trễ.

Tất nhiên, ngày càng có nhiều người sẵn sàng đàm phán hòa bình với Nga. Và lý do chính cho điều này là những kỳ vọng không thành công từ năm ngoái, khi đó nhiều người có nhiều hy vọng hơn”, ông Grushetsky chia sẻ.

Ông Trump “trách” bà Harris không ngăn chặn xung đột

Cựu lãnh đạo Mỹ Donald Trump cho rằng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lẽ ra phải ngăn chặn xung đột Ukraine nhưng lại không làm được điều đó.

"Ai có thể tưởng tượng được bà ấy thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không? Ông ấy là một người đàn ông cứng rắn. Bạn có biết bà ấy được cử đến Ukraine để đối phó với Tổng thống Putin nhằm ngăn chặn xung đột không?", ông Trump phát biểu trước những người ủng hộ. Đồng thời, cựu Tổng thống cũng bày tỏ quan điểm nếu ông vẫn lên nắm quyền ở Mỹ thì Tổng thống Putin đã không tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.

Mỹ gặp khó trong việc tìm nguồn viện trợ Ukraine

Đặc phái viên của Mỹ về phụ trách phục hồi kinh tế ở Ukraine, bà Penny Pritzker cho biết, Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tiền hỗ trợ Ukraine.

Theo bà Pritzker, sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev sẽ không thay đổi nếu chính quyền của đảng Cộng hòa Donald Trump lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ, đồng thời cần có sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với những nỗ lực theo hướng này.

Thách thức chính là nguồn lực mà Mỹ có thể cam kết. Chúng tôi phải tìm kiếm các lựa chọn khác ngoài việc hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Ukraine. Và điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn”, bà Pritzker nói.

Bà cũng bày tỏ tin tưởng những nỗ lực của chính quyền Ukraine nhằm tăng thu ngân sách là không đủ để trang trải cho nhu cầu quân sự. Về vấn đề này, theo bà, Mỹ cùng với các đồng minh châu Âu đang cố gắng tích lũy đủ nguồn lực.

Rộ tin F-16 đã đến Ukraine?

Theo Bloomberg, những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên từ các đồng minh NATO đã được chuyển đến cho Ukraine. Số lượng máy bay được cho là ít và Bloomberg không nêu rõ nước nào chuyển giao cho Ukraine. Trong khi Bộ Quốc phòng Ukraine cũng từ chối bình luận về thông tin trên.

Tờ Times dẫn các nguồn giấu tên cho hay, Ukraine đã nhận được 6 máy bay chiến đấu F-16, việc chuyển giao này do Hà Lan thực hiện.

Trước đó, Mỹ thông báo sẽ trang bị tên lửa và bom tiên tiến cho các máy bay chiến đấu F-16 gửi đến Ukraine.

Giới quân sự Kiev tin rằng các máy bay F-16 sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng tác chiến của những phi đội máy bay phản lực đã cũ có từ thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky cho biết, Kiev khó có thể tạo được sự khác biệt trên chiến trường do nhận được quá ít tiêm kích F-16 từ các đồng minh. “Ngay cả khi chúng ta có 50 chiếc thì cũng chẳng là gì so với họ, bởi họ có đến 300 chiếc”, ông Zelensky nói về tương quan số lượng chiến đấu cơ giữa hai bên. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói, Kiev cần 128 chiếc F-16 để có thể kiến tạo bước tiến mới trên chiến trường.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương