Thông tin chiến sự
Nga nói đẩy lùi nhiều đợt phản công của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga thông báo về việc quân đội nước này đẩy lùi nhiều đợt phản công của Ukraine tại tiền tuyến miền nam và miền đông.
“Trong vòng 24 giờ qua, chúng ta đã khiến đối thủ tổn thất 500 binh lính, 197 UAV, 1 tiêm kích MiG-29 và đánh chặn thành công 3 tên lửa thuộc hệ thống HIMARS”, thông báo của Nga cho biết.
Trong khi đó, không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 12 trong tổng số 15 UAV được Nga phóng vào các vùng Donetsk, Dnipropetrovsk và Poltava.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua vẫn nóng trên khắp chiến trường. Ảnh: RIA Novosti |
58 cuộc giao tranh trên khắp chiến tuyến. Bộ Tổng Tham mưu Ukraine cho biết, hai bên đã xảy ra 58 cuộc giao tranh trên khắp chiến tuyến.
Theo phía Ukraine, lực lượng nước này đã ngăn chặn 43 cuộc tấn công của Nga ở các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka (Donetsk) và làng Novopavlivka (Zaporizhia).
Ở hướng Avdiivka, Bộ Tổng Tham mưu Ukraine cho hay, lực lượng nước này ngăn chặn 11 cuộc tấn công của Nga ở các làng Berdychiv, Orlivka, Tonenke và Pervomaiske (Donetsk).
Một số diễn biến liên quan
Anh phản đối đưa quân tới Ukraine. Ngoại trưởng Anh David Cameron mới đây đã phản đối việc phương Tây gửi quân đội tới Ukraine, ngay cả cho mục đích huấn luyện.
“Các nhiệm vụ huấn luyện nên được tiến hành ở nước ngoài. Việc đưa quân tới Ukraine sẽ tạo thêm nhiều lý do cho Nga”, ông Cameron nói.
Ông Cameron nhấn mạnh, Anh đã huấn luyện 60.000 binh sĩ Ukraine theo cách này, và hiệu quả là vô cùng tích cực. Cũng theo Ngoại trưởng Cameron, Ukraine cần nhiều vũ khí tầm xa hơn, và London sẵn sàng hợp tác với Berlin để chuyển thêm tên lửa Taurus cho Kiev.
Trung Quốc nêu điều kiện của Nga để đàm phán chấm dứt xung đột. Trung Quốc và Thụy Sĩ đang nỗ lực ở phía sau hậu trường để mời Nga tham gia các cuộc đàm phán do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đặc phái viên của Trung Quốc tại khu vực Á - Âu Li Hui nói với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này không nên “đưa ra một kế hoạch để đè bẹp Nga”. Theo các nguồn tin, cả Trung Quốc và Thụy Sĩ đều có chung quan điểm thực tế các cuộc đàm phán không nên chỉ mang tính hình thức.
Tuy nhiên, đặc phái viên Trung Quốc Li Hui cũng nói với những người đồng cấp EU, Moscow có 2 điều kiện tiên quyết để đàm phán, bao gồm chấm dứt việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine và hủy bỏ sắc lệnh của Tổng thống Zelensky vào năm 2022, trong đó bác bỏ các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin.
Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình xung đột, vấn đề hàng hải ở Biển Đen và khả năng hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
“Chúng tôi đã thảo luận một cách chân thành về cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tối đa để kết thúc xung đột thông qua đàm phán. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà cả Nga và Ukraine đều góp mặt”, ông Erdogan cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nói, Nga sẽ không được mời tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới ở Thụy Sĩ. Tuy vậy, đại diện của Moscow có thể được mời ở các hội nghị tiếp theo, sau khi Kiev và các đối tác thống nhất lộ trình hòa bình.
“Tôi đã thảo luận về việc hợp tác sản xuất một số loại vũ khí và đạn dược với Tổng thống Erdogan. Tôi cũng đã gặp các đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ làm việc nhanh chóng để việc hợp tác được bắt đầu”, ông Zelensky nói thêm.
Ba Lan không loại trừ khả năng phương Tây điều quân tới Ukraine. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng, kịch bản phương Tây điều quân tới Ukraine để ngăn chặn quân đội Nga không phải là điều “không thể nghĩ tới”.
Phát biểu của ông Sikorski trước Quốc hội Ba Lan được đưa ra để phản ứng lại bình luận trước đó của Tổng thống Pháp Macron về khả năng triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine để ngăn chặn Nga chiến thắng trong xung đột vũ trang này.
Thanh Bình