Trong buổi trả lời phỏng vấn với nhà báo Dmitry Kiselev của Rossiya 1 và RIA Novosti, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev, nhưng phải dựa trên thực tế chứ không phải mơ tưởng sau khi sử dụng thuốc hướng thần.
Trước đó, cựu cố vấn Lầu Năm Góc, Đại tá về hưu Douglas McGregor cho rằng, Mỹ cần ngừng hỗ trợ Kiev để xung đột ở Ukraine chấm dứt. Theo đó, các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev cần được khởi động để chấm dứt xung đột.
Ngày 12/3, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết hiện tại Ukraine liên tục phủ nhận khả năng đàm phán với Moscow để giải quyết xung đột.
Liên quan tới vấn đề này, hãng tin Anh Reuters đưa tin, trong cuộc gặp với các đại sứ nước ngoài, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Regep Tayyip Erdogan cho biết, cần tránh mọi bước đi có thể làm leo thang cuộc xung đột ở Ukraine và mở ra khả năng lan rộng chiến sự sang các thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO.
Nga có thể đàm phán hòa bình với Ukraine dựa trên thực tế chiến trường hiện tại. Ảnh: Getty |
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara sẽ tiếp tục nỗ lực khôi phục Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen giữa Kiev và Moscow vốn từng đạt được thông qua sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.
"Chúng tôi đã nói rằng các kế hoạch hòa bình không có Nga sẽ không mang lại bất kỳ kết quả nào", ông Regep Tayyip Erdogan nói và đề cập tới "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" toàn cầu dự kiến diễn ra trong năm 2024 tại Thụy Sĩ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng, theo quan điểm của Ankara, nên tránh "các bước có thể làm trầm trọng thêm xung đột trong khu vực, có thể lan sang NATO".
Mới đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố sớm làm trung gian nối lại đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Trong khi đó, trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường, Ukraine đang nỗ lực củng cố đường biên giới, nhất là sau các đợt đột kích của “dân quân thân Ukraine” nhằm vào lãnh thổ Nga vài ngày qua.
Tờ Ukrainska Pravda đưa tin, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố tăng số lượng lính biên phòng để thực hiện các nhiệm vụ hiện tại là chống lại sự đột nhập của Nga và tăng cường bảo vệ lãnh thổ.
Ông Volodymir Zelensky nói: "Trong ngày, tôi đã tổ chức một số cuộc họp quan trọng. Người đứng đầu Chính phủ Denys Shmyhal, Bộ trưởng Nội vụ Klimenko, các thành viên khác của chính phủ. Tôi đã đồng ý về các bước tiếp theo để phát triển Cơ quan Biên giới Nhà nước Ukraine và theo đó là lính biên phòng".
Về khả năng hiện diện của binh sĩ phương Tây tại Ukraine, các đại biểu Đảng cánh hữu Sự thay thế cho Đức (AfD) tại Hạ viện Đức từ đã đặt câu hỏi về việc gửi quân đội và lực lượng đặc biệt của phương Tây tới Ukraine. Điều này được nêu trong văn bản yêu cầu quốc hội của phe này gửi tới chính phủ Đức.
Các đại biểu Đảng AfD bắt đầu quan tâm đến khả năng có sự hiện diện của quân nhân phương Tây tại Ukraina. Trong đơn kiến nghị, họ đề cập đến tuyên bố trước đó của Tổng thống Pháp về khả năng thành lập liên minh quốc tế gửi quân đội phương Tây tới Ukraine.
“Sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc không loại trừ khả năng gửi quân đội phương Tây tới Ukraine, tờ Financial Times đưa tin dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của châu Âu (...) nói rằng mọi người đều biết rằng có lực lượng đặc biệt của phương Tây ở Ukraine. Điều này chỉ chưa được chính thức công nhận thôi. Về tuyên bố của ông Macron, Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói rằng (...) một số quốc gia đang xem xét liệu họ có nên ký kết các thỏa thuận song phương để cung cấp quân đội để hỗ trợ Ukraine hay không", trích đơn kiến nghị của Đảng AfD.
Hơn nữa, như đại diện của AfD đưa tin, trích dẫn dữ liệu truyền thông Mỹ thông tin rằng trong năm 2023 đã có 97 binh sĩ lực lượng đặc biệt từ 5 quốc gia NATO ở Ukraine, hầu hết trong số họ đến từ Vương quốc Anh.
Phương Tây vẫn đang bất đồng về khả năng triển khải quân tới Ukraine. Ảnh: AP |
Ngoài ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, khi biện minh cho việc từ chối cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine, gần đây đã tuyên bố: “Những gì người Anh và Pháp đang làm về mặt kiểm soát và theo dõi mục tiêu không thể được thực hiện ở Đức. Chúng ta có những truyền thống khác và các thể chế hiến pháp khác và không thể làm theo cách tương tự”.
Về vấn đề này, các đại biểu đã gửi đến Chính phủ Liên bang Đức một số câu hỏi liên quan đến sự hiện diện của quân nhân phương Tây ở Ukraine. Lực lượng đặc biệt hoặc thành viên của lực lượng vũ trang Đức có mặt ở Ukraine không? Chính phủ liên bang có tư vấn về khả năng triển khai quân đội phương Tây ở Ukraine và nguy cơ chiến tranh lan rộng sang các nước NATO và EU không?
Cuối tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Macron thừa nhận khả năng gửi lực lượng mặt đất của phương Tây tới lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.
Kim Ngân