Thông tin chiến sự
Nga phá hủy nhiều khí tài hạng nặng của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng nước này đã phá hủy 1 sở chỉ huy và 2 bệ phóng tên lửa đất đối không S-300 của Ukraine. “Lực lượng Nga đã gây thương vong về nhân lực và khí tài quân sự của Ukraine ở 126 khu vực khắp chiến tuyến”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Theo phía Nga, tại Donetsk, các lực lượng Nga đã loại khỏi vòng chiến hơn 860 binh sĩ (chủ yếu tại Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka) cùng nhiều khí tài hạng nặng của Ukraine trong ngày qua. Các khí tài hạng nặng bao gồm: Xe tăng; xe chiến đấu bọc thép; hệ thống pháo tự hành AS-90 Braveheart; pháo M777; pháo D-20; các kho đạn dược dã chiến; hệ thống tác chiến điện tử NOTA;...
Ảnh: RIA Novosti |
71 cuộc giao tranh trên chiến trường. Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, tổng cộng có 71 cuộc giao tranh giữa hai bên trên khắp chiến trường trong ngày qua. “Các lực lượng Nga tổng cộng 6 lần nã tên lửa, 63 lần không kích, 41 lần khai hoả các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) vào các vị trí của lực lượng phòng vệ Ukraine”, quân đội Ukraine thông báo.
Theo phía Ukraine, tại Donetsk, lực lượng phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi 42 cuộc tấn công của các lực lượng Nga ở Bakhmut, Novopavlivka và Avdiivka.
Một số diễn biến liên quan
Giám đốc CIA nói “tin buồn” về Ukraine. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông William Burns mới đây đã gửi thông điệp cảnh báo tới các nghị sĩ quốc hội Mỹ và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phê duyệt gói viện trợ cho Ukraine.
Theo ông Burns, Ukraine có thể giữ vững vị trí trên chiến trường cho đến cuối năm 2024. Nhờ vào gói viện trợ, Ukraine cũng sẽ có đủ sức mạnh để đối phó những đợt tiến công gần đây của Nga, cũng như khả năng Moscow mở tấn công quy mô lớn vào mùa hè sắp tới.
Tuy nhiên, ông Burns cho rằng, nếu không có gói viện trợ này thì có nguy cơ Ukraine sẽ thất bại đáng kể trước Nga và bức tranh chiến trường khi đó sẽ còn thảm khốc hơn rất nhiều. “Có nguy cơ rất thực tế là Ukraine có thể thua cuộc trên chiến trường vào cuối năm 2024”, ông Burns nhấn mạnh.
Ba Lan từ chối cung cấp Patriot cho Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho hay, nước này không có khả năng cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.
“Như đã biết, Đức đã làm gương bằng cách một lần nữa chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine và kêu gọi những quốc gia có khả năng tương tự cũng tham gia sáng kiến này. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho Ba Lan. Chúng tôi hiện không có đủ hệ thống Patriot để có thể chia sẻ với Ukriane", ông Tusk nói. Đồng thời, ông cho biết chính quyền Hà Lan sẵn sàng tài trợ cho việc mua một hệ thống Patriot cho Ukraine.
Hà Lan muốn mua hệ thống Patriot cho Ukraine. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã đề xuất mua lại các hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.
Ông Rutte cho rằng, nhu cầu về các tên lửa đất đối không đối với Ukraine là cấp thiết và muốn các quốc gia đang dư thừa nhiều hệ thống Patriot hãy hỗ trợ cho Kiev.
“Chúng tôi biết nhiều quốc gia đang sở hữu một lượng lớn hệ thống Patriot và có thể là họ không muốn chuyển giao chúng cho Ukraine theo cách trực tiếp. Chúng tôi có thể mua lại các khí tài đó từ họ và cung cấp chúng cho Ukraine. Chúng tôi đang có sẵn tiền. Điều này rất quan trọng”, ông Rutte nhấn mạnh.
Ông Zelensky thừa nhận ưu thế của Nga về đạn pháo. Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận tiềm lực của lực lượng vũ trang Nga vượt quá khả năng của Ukraine nhiều lần. Do đó, nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây, nước này không có cơ hội tiếp tục chiến đấu.
"Tôi có thể thẳng thắn nói nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây, chúng tôi sẽ không có cơ hội giành lợi thế. Hiện nay, tỷ lệ pháo kích của chúng tôi là 1 so với 10. Liệu chúng tôi có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình hay không? Không. Trong bất kỳ trường hợp nào, với số liệu thống kê như vậy, các lực lượng Nga sẽ đẩy lùi chúng tôi mỗi ngày", ông Zelensky nói.
NATO tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, liên minh đang nỗ lực gửi thêm các hệ thống phòng không cho Ukraine.
“Chúng tôi tổng hợp các dữ liệu về những hệ thống phòng không hiện có trong nội bộ NATO và tập trung vào hệ thống Patriot. Và chúng tôi cũng đang làm việc với các đồng minh để đảm bảo họ sẽ chuyển giao một số hệ thống cho Ukraine", ông Stoltenberg cho biết.
Đồng thời, ông Stoltenberg gọi việc cung cấp Patriot đóng vai trò then chốt vì đây là hệ thống phòng không hiện đại nhất mà NATO có thể dựa vào trong thời điểm hiện tại.