Trong bài phát biểu trước Verkhovna Rada về dự luật tổng động viên mới, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU), tướng Valeriy Zaluzhny đã nêu ra vấn đề thiếu binh sĩ, nhưng cũng chỉ trích dự luật mới do Kiev đệ trình.
Tướng Valeriy Zaluzhny “hoàn toàn không đồng ý” với một số quy tắc được đề xuất trong dự luật mới. Đặc biệt, Tổng tư lệnh AFU phản đối quy định tuyển mộ tù nhân và tội phạm vào quân đội. Đồng thời, ông nhận nêu ra sự cần thiết phải bổ sung nhân lực và mời các nghị sĩ Ukraine có thể tự mình ra mặt trận nếu họ không thể tìm ra hướng bổ sung lực lượng cho AFU.
Ukraine không còn đủ lính trên chiến trường trong bối cảnh nguồn viện trợ giảm và Nga liên tục gia tăng áp lực. Ảnh: AP. |
“Tôi nên chiến đấu với ai? Tôi có nên quay ra thế giới và hỏi nguồn lực cho AFU đang ở đâu hay các bạn có thể trực tiếp ra mặt trận nếu các bạn không thể thông qua dự luật mới”, tướng Valeriy Zaluzhny nói.
Tướng Zaluzhny hứa sẽ tiến hành huấn luyện ít nhất 80 ngày với mỗi binh sĩ thuộc diện tổng động viên và cung cấp cho họ những điều kiện tốt nhất có thể.
Phó Chủ tịch Verkhovna Rada Alexey Goncharenko coi tuyên bố của tướng Zaluzhny và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov về dự luật tổng động viên là “một thành phần khách quan của cuộc chiến”.
Trước đó, Ủy viên Nghị viện về Nhân quyền Ukraine Dmitry Lubinets đã gọi một số điều khoản trong dự luật tổng động viên mâu thuẫn với Hiến pháp nước này. Ông này nói rằng, dự luật mới cấm công dân quản lý tài sản của chính họ, còn ông Alexey Goncharenko nói trên kênh Rada TV rằng dự luật mới “có vẻ không phù hợp”: “Tôi có thể nói rằng nếu không có những cải thiện đáng kể thì không thể bỏ phiếu ủng hộ dự luật mới”.
Ngược lại, cựu Thứ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và những người di tản trong nước Ukraine Georgy Tuka đã nêu vấn đề “không quan tâm đến nhân quyền” trong dự luật tổng động viên mới. Ông cáo buộc giới truyền thông địa phương chiều theo những kẻ trốn quân dịch và lưu ý rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đang thiếu nhân lực.
“Chúng ta không cần quan tâm đến bất kỳ chuẩn mực, quy định, nhân quyền nào. Bạn đang trong độ tuổi nhập ngũ thì hãy tiến lên để bảo vệ tổ quốc”, ông Georgy Tuka nói.
Ngày 25/12, Chính phủ Ukraine đã đệ trình dự luật tổng động viên lên Verkhovna Rada. Theo đó, lệnh triệu tập sẽ được gửi tới mỗi công dân kể cả dưới dạng điện tử, kể cả đối với những công dân đã ra nước ngoài. Người phải thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ tạm thời bị hạn chế quyền công dân nếu không có mặt tại cơ quan đăng ký, nhập ngũ.
Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak thừa nhận rằng Kiev khó có thể tổng động viên số lượng binh sĩ đủ theo nhu cầu của AFU. Ông giải thích điều này là do chất lượng cuộc sống ở Ukraine kém hơn ở châu Âu và những cuộc thảo luận gay gắt trong xã hội Ukraine về vấn đề tổng động viên. Tuy nhiên, ông Mikhail Podolyak nhấn mạnh rằng luật tổng động viên sẽ tiếp tục trong mọi trường hợp.
Trước đó, Phó Chủ tịch Verkhovna Rada Alexander Dubinsky đã bày tỏ quan điểm rằng giới lãnh đạo Ukraine rơi vào bẫy vì dự luật tổng động viên mới. Theo ông, Kiev đã cố gắng chuyển trách nhiệm tổng động viên sang AFU, nhưng bản thân họ lại rơi vào tình thế khó khăn, nhận phải làn sóng chỉ trích không chỉ từ xã hội Ukraine.
Ngày 19/12, Tổng thống Volodymir Zelensky cho biết, Bộ Tổng tham mưu AFU đã yêu cầu ông huy động thêm 450 - 500 nghìn người. Tuy nhiên, tới ngày 27/12, Tổng tư lệnh AFU, tướng Valery Zaluzhny đã phủ nhận những tuyên bố của Tổng thống Ukraine.
Đánh giá về khả năng nhận viện trợ của Ukraine trong năm 2024 với tờ Lenta, Nhà khoa học chính trị Nga Dmitry Zhuravlev nhận định, chiến lược viện trợ của phương Tây cho Ukraine có thể thay đổi trong năm 2024 với chiều hướng giảm sâu.
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU), tướng Valeriy Zaluzhny chỉ trích việc Quốc hội Ukraine thông qua dự luật tổng động viên mới. Ảnh; Reuters. |
“Lượng viện trợ đặc biệt sẽ giảm và thay đổi về chất, vì kho bạc của các nước phương Tây cũng không phải là vô hạn. Ngoài ra, vấn đề với vũ khí và đạn dược có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thực tế là việc sản xuất vũ khí không mang lại nguồn lợi cho chính phủ phương Tây. Và tổ hợp công nghiệp - quân sự phương Tây trước hết là một doanh nghiệp. Vì vậy, bất chấp mọi hỗ trợ của nền kinh tế, tình trạng thiếu hụt đạn dược cho cả Mỹ, phương Tây và Ukraine sẽ ngày càng gia tăng”, chuyên gia Zhuravlev đánh giá.
Theo nhà khoa học chính trị này, lương của các quan chức Ukraine do Mỹ chi trả cũng sẽ bị cắt giảm khi nguồn viện trợ giảm.
“Tiền để duy trì bộ máy nhà nước Ukraine được chuyển từ kho bạc Mỹ. Lĩnh vực xã hội cũng vậy. Tuy nhiên, khối lượng viện trợ sẽ giảm, đặc biệt là do các hạng mục chi tiêu dân sự”, ông Zhuravlev nói.
Trước đó, tướng NATO Joao Vieira Borges nói rằng Ukraine có thể nhượng bộ về lãnh thổ để đạt được lệnh ngừng bắn với Nga. Ông cũng nói thêm rằng nếu Đảng Cộng hòa lên nắm quyền ở Mỹ, Ukraine sẽ gặp khó khăn lớn trong việc nhận viện trợ quân sự như năm 2023.
Kim Ngân