Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 5/8/2024: Yếu thế trên chiến trường, Ukraine tuyên bố tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

06/08/2024 - 21:24
(Bankviet.com) Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 5/8/2024: Yếu thế trên chiến trường, Ukraine tuyên bố tấn công sâu vào lãnh thổ Nga khi cho rằng thời điểm này đã tới.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 4/8/2024: Nga và phương Tây 'đi đêm', Ukraine lo lắng về tương lai cuộc xung đột Châu Âu chuyển mạnh sang điện gió và điện mặt trời sau cuộc xung đột Ukraine - Nga Chiến sự Nga - Ukraine sáng 5/8: Nga tấn công nghẹt thở, lính Ukraine chống chọi trong bẫy lửa

Phó chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga, Andrey Klimov nghi ngờ lời hứa của người Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrei Ermak về việc tiến hành các cuộc tấn công mạnh mẽ vào lãnh thổ Nga.

“Ông Ermak này là trợ lý và không có bất kỳ quyền lực hợp pháp nào theo hiến pháp. Chúng ta không thể ngăn cản ông ta lý luận. Nhưng hiếm có ai muốn biến những ý tưởng điên rồ ông này thành hiện thực”, ông Andrey Klimov tuyên bố.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 5/8/2024: Yếu thế trên chiến trường, Ukraine tuyên bố tấn công sâu vào lãnh thổ Nga
Liên tục thất bại trên chiến trường, Ukraine đang muốn đẩy sâu xung đột vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Getty

Ukraine công bố có đủ số lượng mục tiêu trong lãnh Nga cho Ukraine

Ông Andrei Ermak hứa sẽ tấn công mạnh mẽ vào lãnh thổ Nga trong một bài đăng trên kênh Telegram cá nhân. Theo lời ông này, Nga đã có đủ mục tiêu cho Ukraine.

“Các cuộc tấn công của chúng tôi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Nga vẫn chưa nhận ra rằng họ bắt đầu bằng nỗi kinh hoàng của chính mình. Tất cả mục tiêu đã được lên kế hoạch”, ông Andrei Ermak khẳng định.

Ông Ermak trước đó đã kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột. Ông gọi kỳ vọng quan trọng nhất từ ​​hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai là việc hình thành các điều kiện tiên quyết để chấm dứt chiến sự tại Ukraine. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo phương Tây: “Chúng ta cần chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt để đạt được một nền hòa bình công bằng”.

Ukraine tuyên bố khả năng phá hủy hoàn toàn cầu Crimea

Cố vấn văn phòng tổng thống Ukraine đưa ra tuyên bố về cuộc tấn công một ngày sau khi Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (GUR) của Bộ Quốc phòng Ukraine, tướng Kirill Budanov đưa ra tuyên bố về khả năng phá hủy cầu Crimea trong những tháng tới.

Trên kênh truyền hình Ukraine, ông Budanov nói rằng, “công việc đang được tiến hành”, bao gồm cả các cuộc tấn công tầm xa và phá hủy công trình dọc eo biển Kerch. Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) được cho là có cơ hội. Ông Budanov nhấn mạnh: “Có thể nói, tất cả điều này cần một giải pháp toàn diện”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova đã đáp lại lời của Budanov rằng, các lời đe dọa của Ukraine có thể liên quan tới chiến dịch bầu cử ở Mỹ.

Bà Maria Zakharova lưu ý tuyên bố trên là bằng chứng của khủng bố: “Đây không phải là một phần của chiến dịch bầu cử ở Mỹ, trong đó phải đưa ra bằng chứng thuyết phục về “thành tích” của Nhà Trắng và Kiev”.

Kiev thất vọng vì phương Tây không cho phép tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga

Ukraine đã nhiều lần tuyên bố có thể sẽ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, ngoài Anh, chưa có bất kỳ quốc gia nào đồng ý để AFU sử dụng vũ khí viện trợ thực hiện hành động tấn công như vậy.

Theo The Times, cách tiếp cận của Anh được một số nước NATO khác chia sẻ. Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky trước đó tuyên bố rằng đã nhận được sự cho phép của chính phủ Anh để tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, tờ The Times mô tả chính sách của Anh liên quan đến các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga là rất khó hiểu.

Ngược lại, chuyên gia người Anh Alexander Mercouris chỉ ra rằng Kiev đang thất vọng trước việc phương Tây từ chối cho phép mở rộng các cuộc tấn công sâu hơn vào Nga.

Mỹ chỉ có thể cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga khi chiến trường sụp đổ

Các nhà báo Croatia tin rằng Mỹ chỉ có thể dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nếu tình hình ở mặt trận trở nên tồi tệ hơn đối với Kiev.

“Chỉ còn lại một nỗ lực chung, sau đó Washington sẽ phải thừa nhận rằng các nguồn lực đã cạn kiệt. Chúng ta đang nói về điều gì vậy? Về kế hoạch mà Kiev đã lên tiếng từ lâu: Ukraine nhận được sự hỗ trợ quân sự tối đa của phương Tây, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Kiev được phép tấn công lãnh thổ Nga”, ấn phẩm Advance cho biết.

Nếu yêu cầu của Kiev được đáp ứng, Ukraine sẽ có thể tấn công lãnh thổ Nga với sự trợ giúp của tất cả các loại vũ khí mà nước này có - máy bay, pháo binh, tên lửa ở các tầm bắn khác nhau. Đó là cơn ác mộng đối với Mỹ và phương Tây.

Trước đó, nhà phân tích Greg Lawson của Wikistrat cho rằng chính quyền Mỹ cần xem xét lại mối quan hệ với Nga; đồng thời lưu ý rằng hành động của chính quyền Mỹ làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân.

Nga cảnh báo “thảm kịch mới” do F-16 ở Ukraine

Tổng thống CH Chechnya, Ramzan Kadyrov bình luận về việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là vô nghĩa và nhấn mạnh rằng “đây không phải là ngày tận thế”.

“Nếu đột nhiên có điều gì đó không ổn ở đó, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ nhấn nút và chứng tỏ rằng bạn không thể đùa với chúng tôi. Như Tổng tư lệnh tối cao của chúng tôi đã nói: ‘Tại sao chúng ta cần thế giới này mà không có Nga?”, ông Ramzan Kadyrov nói thêm.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cảnh báo rằng sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16 ở Ukraine sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng hơn nữa. Nhà ngoại giao Nga lưu ý: “Vấn đề là sự leo thang, vấn đề là không còn hạn chế nào nữa… Chúng ta phải dừng lại, chúng ta phải hiểu rằng cái giá của tất cả những điều này sẽ là sự gia tăng thêm căng thẳng, những tổn thất mới, những bi kịch mới”.

Trong tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc cung cấp thiết bị của phương Tây cho các cuộc tấn công vào Nga, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, là vi phạm trắng trợn những cam kết hòa bình giữa các bên.

Trong khi đó, tờ The Economist đưa tin, AFU đã nhận được 10 máy bay chiến đấu F-16 trong số 79 chiếc đã hứa.

“10 (trong số 79) máy bay chiến đấu đầu tiên đã đến Ukraine vào ngày cuối tháng 7, một năm sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối cùng đã bật đèn xanh cho các đồng minh châu Âu cung cấp chúng”, The Economist đăng tải.

Đến cuối năm 2024, AFU sẽ có 20 máy bay chiến đấu F-16. Tiến trình này phụ thuộc vào số lượng phi công Ukraine hoàn thành việc chuyển loại điều khiển máy bay của Mỹ.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương