Chiến sự Nga-Ukraine: Phương Tây và NATO có thực sự muốn gửi quân tới Ukraine?

29/02/2024 - 02:51
(Bankviet.com) Chiến sự Nga-Ukraine: Phương Tây và NATO có thực sự muốn gửi quân tới Ukraine? hay chỉ là tuyên bố để thử phản ứng của các quốc gia châu Âu tại Paris?
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay 26/2/2024: Tiền tuyến Ukraine rất phức tạp; Nga tiếp tục giành lợi thế ở Donetsk Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 26/2/2024: Ukraine công bố kế hoạch chiến đấu năm 2024; M1 Abrams xuất hiện Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 27/2/2024: Xe tăng Abrams đầu tiên đã bị hạ tại Ukraine

Tại hội nghị ủng hộ Ukraine tổ chức ở Paris mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết quân đội từ các nước EU có thể có mặt tại Ukraine. Ngay lập tức người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng sự xuất hiện của binh sĩ phương Tây tại Ukraine sẽ dẫn tới một cuộc đụng độ trực tiếp không thể tránh khỏi giữa Nga và NATO.

Thông tin quân đội Pháp có thể tới Ukraine đã được Thủ tướng Pháp Gabriel Attal xác nhận. Theo đó, không thể loại trừ khả năng như trên, vì cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra “ngay trước cửa nhà Liên minh châu Âu”.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp sau đó cũng thừa nhận, phương Tây chưa đạt được sự đồng thuận chính thức nào về việc gửi quân tới Ukraine, nhưng không thể loại trừ khả năng như vậy. Cùng với đó, đầu tháng 2/2024, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại châu Âu, Josep Borrell tuyên bố, các quốc gia trong tổ chức không và sẽ không xem xét việc cử quân đội tới Ukraine.

“Chúng ta sẽ trở thành kẻ hiếu chiến nếu gửi quân đội tới Ukraine. Điều chắc chắn không có trong chương trình nghị sự chưa bao giờ được thực hiện”, ông Josep Borrell nhấn mạnh.

Chiến sự Nga-Ukraine: Phương Tây và NATO có thực sự muốn gửi quân tới Ukraine?
Kịch bản đưa binh sĩ châu Âu tham chiến tại Ukraine đã được Pháp đưa ra. Ảnh: AP.

Chưa có quốc gia châu Âu nào sẵn sàng

Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói về kế hoạch của một số nước NATO và Liên minh châu Âu gửi quân đội tới Ukraine tại hội nghị ở Paris “làm cho họ ớn lạnh”. Người đứng đầu Chính phủ Slovakia tin rằng những hành động như vậy của các quốc gia châu Âu sẽ chỉ dẫn đến xung đột leo thang. Ông cũng đảm bảo rằng Slovakia sẽ không tham gia sáng kiến ​​này.

Ngoài ra, ông Robert Fico còn chỉ ra sự thất vọng vào cuối hội nghị, vì “không có một lời nào về hòa bình” được đưa ra: “Tôi có thể nhận xét về bầu không khí tại cuộc họp này. Mọi thứ đang diễn ra để ủng hộ cuộc chiến bằng mọi giá, làm mọi thứ bằng mọi giá để cuộc xung đột này vẫn tiếp tục”.

Cùng với đó, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala tuyên bố sẽ không gửi quân tới Ukraine. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk cũng có quan điểm tương tự.

Ngoài ra, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cũng bác bỏ khả năng gửi quân tới Ukraine. Ông Ulf Kristersson làm rõ rằng chủ đề này “không liên quan chút nào”, vì Stockholm đang chuẩn bị sớm gia nhập NATO với tư cách là một quốc gia trung lập về mặt lịch sử.

Một quốc gia EU khác phản đối việc gửi quân tới Ukraine là Hungary. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quan hệ Kinh tế đối ngoại Hungary, Peter Szijjártó nhấn mạnh rằng, nước này sẽ không gửi vũ khí hoặc binh lính đến Ukraine để làm trầm trọng thêm xung đột.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định các nước EU và NATO đều không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận rằng khối này không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine.

Cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và NATO?

Giảng viên cao cấp Khoa Nghiên cứu châu Âu tại Đại học bang St. Petersburg, chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai, Alexey Chikhachev bình luận việc xuất hiện sáng kiến ​​của các nước EU và NATO đưa quân tới Ukraine là điều đáng lo ngại. Điều này thể hiện các nước đã cạn kiệt các phương tiện hỗ trợ khác nhau dành cho Kiev và mức độ tham gia của phương Tây vào cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này. Giới tinh hoa phương Tây hiểu điều này và đang tìm kiếm những lựa chọn khác, cách họ có thể hành động khác để tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

“Hiện tại, tôi sẽ coi tuyên bố về khả năng điều động quân đội châu Âu mà không có bất kỳ sự tán dương không cần thiết nào… Mặc dù đây là một bước đi thử nghiệm của nhà lãnh đạo Pháp, nhưng kết quả là không có gì”, chuyên gia Alexey Chikhachev nói.

Pháp mong muốn chứng tỏ là một trong những nước ủng hộ chính của Ukraine, vì Paris đã nhiều lần bị chỉ trích vì không hỗ trợ đủ cho Kiev.

“Pháp muốn thể hiện sự lãnh đạo của mình trong vấn đề hỗ trợ Ukraine, và nếu ở giai đoạn trước nước này thực hiện tốt vai trò này thì bây giờ Paris có thể đảm nhận ít nhất một phần của tiến trình”, chuyên gia Alexey Chikhachev nhận định.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp đang thử nghiệm khả năng leo thang xung đột hơn nữa để tìm hiểu xem liệu ý tưởng này có được ủng hộ hay không và các quốc gia khác nhau sẽ phản ứng thế nào với ý tưởng này.

Chiến sự Nga-Ukraine: Phương Tây và NATO có thực sự muốn gửi quân tới Ukraine?
Nếu xung đột Nga và NATO nổ ra tại Ukraine, sẽ không có người chiến thắng cuối cùng. Ảnh: Getty

Bình luận về kế hoạch của các nước phương Tây gửi quân tới Ukraine, Thư ký báo chí Phủ Tổng thống Nga, Dmitry Peskov nhấn mạnh, với cách giải quyết vấn đề này, khả năng không thể tránh khỏi là cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO; sẽ không có ai chiến thắng trong cuộc chiến như vậy.

“Trong trường hợp này, chúng ta không cần nói về xác suất mà về tính tất yếu. Đó là cách chúng tôi đánh giá nó. Và các quốc gia này nên đánh giá và nhận thức điều tương tự. Họ nên tự hỏi liệu điều này có vì lợi ích của họ hay không, và quan trọng nhất là vì lợi ích của công dân các nước châu Âu”, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhắc lại rằng một tháng trước Tổng thống Pháp từng phủ nhận sự liên quan của Paris trong việc tuyển mộ lính đánh thuê cho Kiev, khi gọi bằng chứng trực tiếp về thực tế này là “tuyên truyền của Nga”.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương